Khi các tiêm kích Ấn Độ vừa cất cánh để thực hiện chiến dịch Sindoor, không quân Pakistan tuyên bố họ đã phát hiện và lập tức triển khai lực lượng ứng phó.
Trận không chiến dữ dội nhất từ sau Thế chiến II diễn ra rạng sáng 7/5, trên vùng trời kéo dài gần 750 km từ vùng cao nguyên Kashmir ở phía bắc xuống sa mạc Thar ở phía nam, theo sơ đồ tác chiến được không quân Pakistan công bố.
Trận không chiến nổ ra khi Ấn Độ phát động chiến dịch Sindoor, nhắm vào 9 mục tiêu mà nước này gọi là "hạ tầng khủng bố" trên lãnh thổ Pakistan và khu vực do Islamabad kiểm soát tại vùng tranh chấp Kashmir.
Theo New Delhi, đây là động thái đáp trả vụ xả súng khiến 26 người thiệt mạng gần thị trấn Pahalgam hôm 22/4. Ấn Độ trước đó cáo buộc Pakistan hậu thuẫn nhóm vũ trang gây ra vụ tấn công, nhưng Islamabad bác bỏ.
Báo cáo tác chiến được không quân Pakistan (PAF) công bố cho thấy tổng cộng gần 120 chiến đấu cơ các loại đã tham gia vào cuộc chạm trán ở cự ly ngoài tầm nhìn và không quân Ấn Độ áp đảo về số lượng.
Trong giai đoạn đầu tiên, Ấn Độ triển khai 60 máy bay, trong đó có 14 tiêm kích Rafale do Pháp sản xuất, và dần tăng số lượng lên 72 chiếc trong suốt chiến dịch. Tuy nhiên, PAF cho hay họ đã phát hiện và xác định các mục tiêu đối phương gần như ngay lập tức sau khi những tiêm kích này cất cánh.
Pakistan đã điều động 42 chiến đấu cơ để phản công, gồm các mẫu tiêm kích J-10CE, JF-17 và F-16, trong đó tiêm kích F-16 không trực tiếp tham chiến, do quy định của Mỹ, bên bán loại máy bay này cho Pakistan. PAF cho biết mục tiêu chính mà họ nhắm tới là bắn hạ Rafale, loại máy bay có khả năng chiến đấu tốt nhất trong biên chế không quân Ấn Độ.

Trận không chiến kéo dài hơn một giờ, tiêm kích hai bên phóng tên lửa vào nhau mà không nhìn thấy đối phương, chủ yếu sử dụng dữ liệu từ radar để dẫn đường cho tên lửa. Các máy bay này cũng không vượt qua biên giới, nhằm tránh nguy cơ bị bắn hạ trên lãnh thổ đối phương, khiến phi công bị bắt làm tù binh.
Sau trận chiến, PAF thông báo 5 chiến đấu cơ, gồm một chiếc MiG-29, một chiếc Su-30MKI và ba chiếc Rafale, cùng một máy bay không người lái (UAV) Ấn Độ đã bị vô hiệu hóa.
Để chứng minh, Islamabad đã cung cấp tọa độ vị trí các máy bay này rơi, dữ liệu các cuộc trao đổi của phi công Ấn Độ, dữ liệu radar, đồng thời tường thuật một số chi tiết về trận chiến chưa từng có này.
Trong các bản ghi âm mà không quân Pakistan công bố được cho là từ phi công tiêm kích Rafale bị bắn hạ, có thể nghe thấy tiếng nói của một người mà PAF xác định là chỉ huy biên đội của New Delhi.
Người này dường như vừa điều phối hoạt động của biên đội, vừa liên tục kiểm tra tình trạng của các thành viên trong đội hình, cho thấy tình hình giao chiến căng thẳng như thế nào.
Phó thống chế PAF Aurangzeb Ahmed cho hay biên đội này có mật danh là Godzilla. "Nhưng loài động vật này đã tuyệt chủng, vì thế chiếc máy bay đó cũng bị bắn hạ", Ahmed cho biết.

"Chúng tôi đã lên kế hoạch sẵn sàng để đối phó. Ấn Độ tuyên bố rằng họ có Rafale và đây là lý do lần này, chúng tôi chủ đích nhắm vào trung tâm sức mạnh của họ dưới dạng những chiếc tiêm kích Rafale. Đó cũng là lý do bạn thấy nhiều chiếc Rafale bị bắn hạ", ông nói thêm. "Chúng tôi có thể hạ nhiều hơn nữa, nhưng chúng tôi đã kiềm chế".
Rafale là tiêm kích phản lực đa năng hai động cơ, ứng dụng thiết kế cánh chính tam giác cùng cánh phụ phía trước để tăng lực nâng và khả năng cơ động. Được trang bị nhiều loại vũ khí có độ chính xác cao, tiêm kích Rafale có thể thực hiện các nhiệm vụ đa dạng như chiếm ưu thế trên không, đánh chặn tầm xa, trinh sát, yểm trợ mặt đất, công kích sâu trong lãnh thổ đối phương và diệt hạm.
Ấn Độ năm 2016 ký thỏa thuận trị giá 8,7 tỷ USD với Pháp để mua 36 chiến đấu cơ Rafale. Giới chuyên gia ước tính mỗi chiếc Rafale của Ấn Độ có giá khoảng 140-150 triệu USD, do được chế tạo và lắp đặt nhiều hệ thống theo yêu cầu riêng của New Delhi. Số tiền còn lại trong hợp đồng được dành cho phụ tùng, bảo dưỡng, vũ khí trang bị và huấn luyện cho quân nhân Ấn Độ.
Quân đội Pakistan cho biết mỗi tiêm kích Ấn Độ sau khi cất cánh đều được theo dõi bằng hệ thống trinh sát điện tử SIGINT, với chức năng "lắng nghe" hoạt động từ radar và thiết bị liên lạc của chúng. Điều này, kết hợp với việc các chiến đấu cơ Pakistan không tiếc tên lửa không đối không để đáp trả, có thể giải thích cho thành công mà họ công bố.
Ngoại trưởng Pakistan Ishaq Dar cho hay các tiêm kích J-10CE của PAF đã bắn rơi "3 chiếc Rafale và các phi cơ khác của Ấn Độ". Hãng tin Reuters dẫn lời hai quan chức Mỹ giấu tên nói rằng tiêm kích J-10CE Pakistan đã khai hỏa và hạ ít nhất hai máy bay Ấn Độ, trong đó có một tiêm kích Rafale.
Phát ngôn viên quân đội Pakistan xác nhận họ đã sử dụng tên lửa không đối không tầm xa PL-15E gắn trên chiến đấu cơ J-10CE để vô hiệu hóa tiêm kích Ấn Độ. Cả tên lửa PL-15E và tiêm kích J-10CE đều do Trung Quốc sản xuất và bán cho Pakistan.

J-10CE được đánh giá là mẫu tiêm kích đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực hiện đại hóa không quân Pakistan. Đây là một trong những tiêm kích xuất khẩu hiện đại nhất của Trung Quốc.
Phiên bản này có thể sử dụng tên lửa đối không tầm xa PL-15E với tầm bắn tới 145 km và PL-10E tầm bắn 20 km. Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định dòng PL-10E có năng lực tương đương mẫu ASRAAM, đồng thời vượt trội dòng AIM-9X hiện đại của Mỹ về một số mặt.
Hầu hết máy bay Ấn Độ bị bắn hạ trên bầu trời Kashmir, gồm hai chiếc Rafale, một chiếc MiG-29 và một chiếc Su-30MKI. Một chiếc Rafale khác của Ấn Độ bị vô hiệu hóa ở bang Punjab, cách đó 350 km về phía nam. Tất cả các máy bay bị bắn đều rơi xuống lãnh thổ Ấn Độ.
Ảnh chụp một mảnh vỡ máy bay ở vùng Jammu và Kashmir do Ấn Độ quản lý cho thấy mã hiệu BS 001, quốc kỳ Ấn Độ và dòng chữ "Rafale". Giới chuyên gia nhận định đây là một phần cánh đuôi đứng của tiêm kích Rafale BS 001 trong biên chế không quân Ấn Độ.

CNN dẫn lời các nguồn tin giấu tên cho hay một trong 5 tiêm kích Ấn Độ đã bị bắn hạ trực tiếp bởi hệ thống phòng không mặt đất của Pakistan.
Không quân Ấn Độ (IAF) hôm 11/5 thừa nhận "tổn thất là một phần của chiến đấu" nhưng thêm rằng tất cả phi công của họ đã trở về an toàn sau cuộc chiến với Pakistan tuần trước. IAF cũng tuyên bố Pakistan đã mất 35-40 quân nhân và một vài chiến đấu cơ trong giao tranh, nhưng không nêu thông tin cụ thể.
"Chúng tôi đã thực hiện thành công những nhiệm vụ được giao trong chiến dịch Sindoor một cách chính xác và chuyên nghiệp. Do chiến dịch vẫn đang diễn ra, báo cáo chi tiết sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp", IAF cho biết ngày 11/5.
Nguồn: VNExpress
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này