Báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu Lowy (Úc) chỉ ra vị thế cho vay ròng của Trung Quốc đã phát triển đáng kể sau hơn 10 năm.
Theo báo cáo của Viện Lowy được công bố ngày 26.5, vào năm 2025, các quốc gia thuộc nhóm nghèo và dễ tổn thương nhất thế giới sẽ phải trả khoản nợ lên đến 22 tỉ USD cho Trung Quốc.
Báo cáo chỉ ra 54 trong số 120 quốc gia đang phát triển sẽ phải trả nợ cho Trung Quốc với tổng số tiền lớn hơn nợ phải trả cho tất cả thành viên thuộc nhóm Câu lạc bộ Paris gộp lại. Câu lạc bộ Paris là một nhóm không chính thức gồm 22 nền kinh tế hàng đầu thế giới, có độ tín nhiệm cao và thường cung cấp các khoản vay cho những nước đang phát triển.
Việc vị thế "chủ nợ" của Trung Quốc ngày càng rõ ràng đã xuất phát từ thời điểm Bắc Kinh tung Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) vào năm 2013, cung cấp gói vay cho những nước muốn phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, kinh tế bất ổn và đại dịch Covid-19 khiến một số nước đi vay gặp khó khăn để trả nợ đúng hạn.
Vào năm 2012, Trung Quốc cho khoảng 18 quốc gia đang phát triển vay tiền, thì con số này vào năm 2023 đã tăng thành 60 quốc gia. Ông Riley Duke, nhà nghiên cứu tại Viện Lowy và là người tổng hợp báo cáo nêu trên, nói rằng gánh nặng nợ nần cao mà các nước đang phát triển phải đối mặt sẽ cản trở việc xóa đói giảm nghèo và làm chậm tiến độ phát triển, đồng thời gây ra rủi ro bất ổn kinh tế và chính trị.

Báo cáo đề cập thêm Trung Quốc đang đứng trước áp lực ngoại giao trong việc tái cấu trúc những khoản nợ không bền vững, ngoài ra còn áp lực trong nước từ những tổ chức bán thương mại yêu cầu sớm thu hồi nợ.
Dù Trung Quốc đã giảm hoạt động cho vay toàn cầu, nước này vẫn tiếp tục tài trợ cho các nước có tầm quan trọng về chiến lược hay tài nguyên. Trong đó bao gồm các nước láng giềng châu Á như Pakistan, Kazakhstan hay những nước có nguồn khoáng sản quan trọng như Argentina, Brazil, CHDC Congo.
Nguồn: Dân Trí
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này