Giới chức Ukraine cho biết 218 tàu tới bốc hàng hoặc chở ngũ cốc ra nước ngoài bị mắc kẹt sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận.
Do Ukraine không có giấy phép từ Trung tâm Điều phối chung (JCC), 218 tàu không thể di chuyển, Bộ Hạ tầng Ukraine ngày 30/10 thông báo. JCC được thành lập trong khuôn khổ thỏa thuận ngũ cốc mà Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.
Cụ thể, 95 tàu với hàng hóa đã ra khỏi các cảng của Ukraine và đang chờ kiểm tra để có thể rời đi. 101 tàu trống đang chờ kiểm tra tại lối vào các cảng Ukraine. Ngoài ra, 22 tàu chở hàng hóa nông nghiệp khác đang chờ rời cảng của Ukraine.
Thông báo được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Nga ngày 29/10 tuyên bố đình chỉ thực thi thỏa thuận ngũ cốc với cáo buộc Ukraine, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Anh, tập kích cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea và đe dọa các chiến hạm thuộc Hạm đội Biển Đen tham gia đảm bảo an ninh hành lang ngũ cốc.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình thỏa thuận ngũ cốc và hoãn chuyến đi tới Algeria để tập trung giải quyết vấn đề. Phát ngôn viên của ông Guterres cho biết Tổng thư ký LHQ tham gia các cuộc tiếp xúc để thuyết phục Nga quay lại thỏa thuận.
Một ngày sau khi Nga đình chỉ thực hiện thỏa thuận ngũ cốc, LHQ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine nhất trí kế hoạch di chuyển đối với 14 tàu trong vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ. Ba bên cũng nhất trí về kiểm tra 40 tàu chở hàng vào ngày 31/10.
Theo thỏa thuận ngũ cốc ký hồi tháng 7, JCC được thành lập tại Istanbul, bao gồm các đại diện cấp cao từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và LHQ. Các tàu đến bốc hàng cần trải qua quá trình kiểm tra ngoài khơi Istanbul để đảm bảo không mang vũ khí, sau đó đi qua hành lang an toàn được JCC thiết lập đến các cảng Chornomorsk, Odesa và Yuzhny của Ukraine. Trong hành trình rời đi, các tàu lại bị kiểm tra ở ngoài khơi Istanbul.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 9 gọi thỏa thuận ngũ cốc Ukraine là “trò lừa bịp trơ tráo”, khi phần lớn lương thực được chuyển tới châu Âu, thay vì các nước nghèo nhất.
Xuất khẩu ngũ cốc đình trệ được cho là nguyên nhân khiến giá lương thực toàn cầu tăng, đồng thời làm dấy lên lo ngại về nạn đói, đặc biệt ở những nước nghèo nhất thế giới. Nga bác cáo buộc làm trầm trọng khủng hoảng lương thực, cho rằng các lệnh hạn chế đối với xuất khẩu của nước này khiến giá lương thực tăng.
Giới chức Nga cho biết dù lương thực và phân bón được rút khỏi lệnh hạn chế xuất khẩu của nước ngoài, nước này vẫn chịu hạn chế liên quan đến hậu cần, thuê tàu, chuyển tiền và bảo hiểm.
(Nguồn: Vnexpress)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này