Vì sao WHO lại kêu gọi tạm ngừng tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường?
Tin thế giới, Tin tức
author05/08/2021 09:40

Hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa chứng minh được rằng tiêm nhắc lại sẽ bổ sung kháng thể để bảo vệ đáng kể cho công chúng. Đó là lý do tại sao Tổng Giám đốc WHO lại kêu gọi ngừng tiêm mũi vaccine tăng cường trong ít nhất hai tháng tới.


Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây đã kêu gọi tạm hoãn tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ ba trong ít nhất hai tháng tới.

“Chúng ta không nên chấp nhận việc các nước đã sử dụng hầu hết nguồn cung cấp vaccine toàn cầu, thậm chí sẽ còn sử dụng nhiều hơn nữa trong khi những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới vẫn chưa được bảo vệ”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

Việc có hay không nên tiêm liều vaccine Covid-19 thứ 3 ở vào thời điểm này đang gây nhiều tranh cãi. Ảnh minh họa: Dallas IVF.



Giám đốc phụ trách vấn đề miễn dịch, vaccine và sinh học của WHO Katherine O’Brien thì cho rằng: “Chúng ta cần tập trung vào những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, những người có nguy cơ mắc bệnh và tử vong vì căn bệnh này, để họ có thể có được liều vaccine đầu tiên và thứ hai”.

Lời kêu gọi của các quan chức WHO được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia đã bắt đầu triển khai tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 tăng cường cho những người đã tiêm đủ hai liều, do lo ngại về hiệu quả miễn dịch của vaccine trước sự nguy hiểm của biến thể siêu lây nhiễm Delta.

Tiêm hay không tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ ba vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã bác bỏ lời kêu gọi tạm ngừng tiêm mũi tăng cường, cho rằng WHO đang thiết lập “một lựa chọn sai lầm”.

Sự bất bình đẳng toàn cầu trong việc phân bổ vaccine đã được Tổng Giám đốc WHO trích dẫn rõ ràng. Hơn 80% vaccine Covid-19 đã được sử dụng ở các quốc gia có thu nhập cao và trên trung bình. Chẳng hạn, Vương quốc Anh đã tiêm chủng cho gần 65% dân số trong khi chỉ có 7% người Philippines được chủng ngừa. Mỹ đang tiêm vaccine cho thanh thiếu niên – đối tượng có nguy cơ thấp trong khi các nhân viên y tế tuyến đầu ở Nigeria vẫn đang chờ tiêm. Trong khi Israel vừa bắt đầu tiêm liều vaccine tăng cường cho những người trên 60 tuổi thì ở các vùng lãnh thổ của Palestine, chỉ có chưa đến 12% người dân được tiêm vaccine.

WHO không loại trừ toàn bộ khả năng khuyến nghị tiêm liều tăng cường trong tương lai gần. Cơ quan y tế toàn cầu cho rằng, mũi tiêm tăng cường có thể cần thiết đối với một số ít người với tình trạng bệnh cụ thể. Mặc dù vậy, WHO lưu ý, hiện tại các nhà nghiên cứu vẫn chưa chứng minh được rằng tiêm nhắc lại sẽ bổ sung kháng thể để bảo vệ đáng kể cho công chúng. Đó là lý do tại sao ông Tedros lại kêu gọi ngừng tiêm mũi vaccine tăng cường trong ít nhất hai tháng tới để đạt được mục tiêu cho tới ngày 30/9, 10% người dân ở mọi quốc gia được tiêm chủng.

Ngoài khung thời gian đó, mục tiêu của WHO về tiêm chủng toàn cầu là 40% vào cuối tháng 12 năm nay và 70% vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, với việc hiện chỉ có ít hơn 2% người dân ở châu Phi được tiêm chủng đầy đủ, cơ hội để đạt được mục tiêu đầu tiên vào ngày 1/10 gần như là điều không thể.

Vấn đề gây tranh cãi

Nếu Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) quyết định rằng việc sử dụng mũi vaccine Covid-19 tăng cường là phù hợp, bà Psaki cho biết Mỹ sẽ sẵn sàng cung cấp những mũi tiêm này cho người dân. Bà Psaki khẳng định Mỹ có đủ nguồn cung để tiêm mũi vaccine thứ ba ở trong nước và thậm chí là tặng cho các nước khác: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể làm được cả hai việc đó. Chúng tôi không cần phải đưa ra lựa chọn nào cả”.

Tuy nhiên, trợ lý Giám đốc của Tổ chức Y tế Liên Mỹ Jarbas Barbosa lại cho rằng, nói từ quan điểm sức khỏe cộng đồng, việc sử dụng liều vaccine tăng cường ở một số quốc gia trước những liều đầu tiên ở một số quốc gia khác là vô nghĩa.

Ruth Karron, giáo sư y tế quốc tế tại Đại học Johns Hopkins, thậm chí còn có quan điểm gay gắt hơn khi cho rằng, sự bất bình đẳng đang diễn ra đối với việc chăm sóc sức khỏe toàn cầu là vấn đề về mặt đạo đức và điều quan trọng hơn là phải ngăn chặn đại dịch bằng cách tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt thay vì tập trung cho tiêm mũi bổ sung.

“Các biến thể mới nhiều khả năng sẽ phát sinh ở những nơi người dân chưa được tiêm chủng. Vì thế nên nếu càng có nhiều người trên thế giới không được tiêm chủng thì chúng ta càng đối mặt với nguy cơ lớn hơn”, giáo sư Karron nói.

Biến thể Delta đã cho thấy tiến trình chống lại đại dịch có thể thay đổi nhanh chóng như thế nào và các ca bệnh tăng mạnh ra sao, ngay cả ở các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Bà Karron nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch, tất cả mọi người trên thế giới đều có quyền được tiêm chủng. Thừa nhận rằng có nhiều người không chia sẻ cách tiếp cận nhân đạo giống bà đối với vấn đề này, bà Karron lưu ý: “Người dân Mỹ sẽ thu được nhiều lợi ích nhất chỉ khi toàn cầu đạt được miễn dịch nhiều nhất có thể. Đó là cách để ngăn các biến thể mới phát sinh”./.


(Nguồn: VOV/Nguồn: NPR)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil