Blogger Asijatka: Những người đàn ông mô tả hẹn hò với phụ nữ Việt như Hurvínek mô tả chiến tranh.
CỘNG ĐỒNG, Tin nổi bật, Người Việt tại Séc
author30/06/2021 13:44

Blogger Asijatka – Tác giả Đỗ Thu Trang, người đã hai lần được đề cử cho Giải thưởng Magnesia Litera hạng mục Blog của năm – đã có bài phỏng vấn với phóng viên Clara Zangová từ trang tin tức Aktuálně.cz. TamdaMedia xin lược dịch bài viết này tới độc giả.

Blogger Đỗ Thu Trang | Foto: Kajenzi

(Ghi chú của người dịch: Hurvínek là một nhân vật con rối nổi tiếng của Cộng hòa Séc trong hình hài một cậu bé. “Chiến tranh Hurvínek” có thể hiểu theo nghĩa là có những ý tưởng ngây thơ, méo mó, phiến diện về việc gì đó)

Blogger Asijatka – Đỗ Thu Trang, sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên ở Cộng hòa Séc. Với phong cách viết blog mang hơi hướng châm biếm của mình, Asijatka đã được đề cử cho Giải thưởng Magnesia Litera lần thứ hai. Cô đề cập đến các vấn đề xã hội và viết những bài thơ “xấu”. Trả lời phỏng vấn của Aktuálně.cz, Đỗ Thu Trang nói về sự giáo dục của các cô gái Việt Nam, vấn đề bạo lực gia đình và mối quan hệ của cô với cộng đồng LGBT.

Đỗ Thu Trang, 31 tuổi, làm việc trong lĩnh vực marketing, nhưng cô được biết đến nhiều hơn qua trang blog của mình có tên là Asijatka, nơi cô kể về cuộc sống của những người phụ nữ gốc Việt tại Cộng hòa Séc trong qua mắt của một “đứa trẻ chuối”, hay còn có thể hiểu là thế hệ sau của những người từ Việt Nam di cư sang đây. Gần đây, cô chủ yếu tập trung vào các khía cạnh hội nhập xã hội của người Việt. Cô còn nói đến các mối quan hệ cá nhân không chỉ trong cộng đồng Việt Nam.

(Ghi chú của người dịch: “Trẻ chuối” – banánové dětí, một từ được dùng để ám chỉ những người Việt Nam trẻ, thế hệ sau của những người Việt di cư tới Cộng hòa Séc, có ngoại hình Châu Á (da vàng), nhưng tính cách và suy nghĩ bị ảnh hưởng nhiều bởi môi trường Châu Âu (bên trong trắng), giống hình tượng quả chuối)

Theo Trang, thế hệ đầu tiên của người Việt sống tại Séc lâu nay không nhận ra rằng con cái họ sẽ xa cách họ không chỉ về văn hóa mà còn cả về tinh thần. Cô nói hầu hết các em “trẻ chuối” đang dần thoát khỏi nhiều nét văn hóa đặc trưng của ông cha. “Ở Việt Nam vấn đề kinh nguyệt gần như không được nhắc tới. Chúng tôi không được dạy cách sử dụng băng vệ sinh”, Trang nói thêm rằng phụ nữ đang trong những ngày đó thậm chí còn không được phép dọn dẹp và thắp hương trên bàn thờ.

Đỗ Thu Trang nhìn nhận bản thân là một người thuần gốc Việt nên cô trở về thăm quê hương thường xuyên hơn. Mười năm trước, cô đã vĩnh viễn từ bỏ cái tên Lenka và luôn tự giới thiệu mình là Trang. Việc đổi sang chỉ sử dụng tên Việt Nam được cho là một sự “phục hưng gốc gác” đối với cô. “Tôi đã ngưng chú ý đến những người không thể phát âm tên mình,” Trang nhớ lại. Vào thời điểm đó cũng có một đối tác muốn gọi cô bằng tên thật.

Blogger này còn nói rằng nhiều em “trẻ chuối” sẽ trải qua quá trình tìm lại nguồn gốc tương tự như cô trong thời niên thiếu. “Tôi cảm thấy rằng tôi muốn trở lại Việt Nam thường xuyên hơn. Tôi có nhu cầu nghiên cứu, suy nghĩ và đặt câu hỏi về nó nhiều hơn”, cô mô tả.

Phụ nữ không được nuôi dạy để tự lập

Trang nhận thức rõ ràng về danh tính người Séc của mình, nhưng nói rằng trong một số vấn đề, cô ấy thấy bản thân Việt Nam hơn. “Đối với gia đình, tôi tương đối bảo thủ và có lẽ tôi sẽ là một người mẹ nghiêm khắc trong việc nuôi dạy con cái,” Trang đưa ra ví dụ. Tuy nhiên, trái ngược với cách làm của Việt Nam, cô ấy sẽ không bằng mọi cách duy trì các mối quan hệ cho dù có hài lòng đến đâu.

Theo blogger, đây là cách giáo dục tương đối phổ biến trong xã hội Việt Nam. “Vấn đề là những người thân luôn nói rằng bạn phải làm gì, nên chịu đựng vì lợi ích của bọn trẻ, v.v. Khi bạn nghe thấy điều tương tự từ mọi phía, bạn bắt đầu nghi ngờ: chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi làm sai điều gì đó và nếu tôi thực sự cố gắng để chịu đựng sẽ ra sao?” cô nói. Theo Trang, “cố gắng” và “chịu đựng” là những cụm từ thường được sử dụng trong tiếng Việt, ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của người dân nơi đây.

Phụ nữ thường gặp khó khăn hơn khi rời bỏ một mối quan hệ không hạnh phúc vì họ không được dạy dỗ để tự lập. “Rất khó để ra đi bởi họ không độc lập về tài chính hoặc không biết ngoại ngữ. Họ được dạy rằng: một là học cho tốt, còn nếu không học tốt được thì hãy gả cho một đám tốt. Việc này sẽ kéo dài thêm ít nhất một thế hệ nữa,” Trang dự đoán.

Trang cho rằng sự khác biệt trong cách nuôi dạy con trai và con gái ở Việt Nam chủ yếu xuất phát từ quan niệm đàn ông là trụ cột gia đình, điều mà ngày nay không còn đúng nữa. Tuy vậy người vợ vẫn phải chăm sóc không chỉ cha mẹ ruột mà còn cha mẹ chồng của họ. Trang giải thích: “Các nhà xã hội học cho rằng phụ nữ Châu Á ngày càng kết hôn ít hơn vì họ không muốn gánh vác quá nhiều vai trò.”

Duy trì nòi giống tại Cộng hòa Séc

Blogger muốn góp phần cải thiện mối quan hệ trong các gia đình Việt Nam bằng cách tham gia cộng đồng LGBT. Theo Trang, chủ đề này rất nhạy cảm và gần như cấm kỵ đối với người Việt Nam. “Hy vọng việc tôi không ngần ngại bày tỏ quan điểm sẽ giúp ai đó có được quyết tâm để đối mặt với gia đình và không phải xấu hổ về người mình thích”, cô mong muốn.

Blogger còn nói thêm: “Trẻ em Việt Nam sinh ra đã có gánh nặng tâm lý lớn như vậy rồi. Người ta kỳ vọng rất nhiều vào chúng và tôi muốn mối quan hệ được cân bằng hơn. Các bậc cha mẹ Việt Nam quên rằng một ngày nào đó con cái họ sẽ có cuộc sống riêng của mình”. Tình trạng này đang bắt đầu được cải thiện. Cha mẹ của cô được cho là đã hiểu rằng các mối quan hệ riêng của con gái không phải là phạm vi họ nên tác động vào. Trang nói: “Chung quy là họ đều muốn có cháu và họ hiểu rằng tôi cũng muốn có con, bất kể là với ai”.

Tương lai của con cháu, theo Blogger, là điều giữ chân người Việt nhất từ ​​thế hệ nhập cư đầu tiên tại Cộng hòa Séc. Cha mẹ của cô cũng muốn trở về Việt Nam. “Xét cho cùng, Việt Nam là một đất nước mà ở đó người khác hiểu họ”, Trang giải thích về niềm khao khát quê hương của cha mẹ cô. Người ta nói rằng hầu hết những người Việt Nam thuộc thế hệ thứ nhất nói tiếng Séc không tốt, cũng bởi vì vào những năm 1990, họ từng có thông dịch viên giúp thu xếp việc liên lạc với chính quyền và những nhu cầu cần thiết khác nên không cần học giỏi ngoại ngữ và chỉ tập trung vào việc kiếm tiền phụ giúp nuôi gia đình.

Phụ nữ Châu Á không phải là đối tượng tình dục

Là một phụ nữ Việt Nam sống tại Cộng hòa Séc, Trang có một số trải nghiệm khó chịu với những người đàn ông quan tâm đến cô chỉ vì chủng tộc. Vì vậy cô luôn cố gắng ngăn cản những người đàn ông có những hành vi tương tự. “Khi một người đàn ông viết thư cho tôi để hỏi bí quyết làm quen với phụ nữ Châu Á, tôi cố gắng giải thích với anh ta rằng ngoại hình không làm nên tất cả và họ chỉ nhìn thấy phần trên của một tảng băng”, cô mô tả.

“Có vợ Châu Á là một chuyện thần bí đối với rất nhiều người. Tôi hiểu rằng đó là từ cảm xúc và bản năng”, cô nói thêm rằng đàn ông thường hẹn hò với phụ nữ Châu Á giống như “Chiến tranh Hurvinek”. Phụ nữ Châu Á được cho là phục tùng, điều này không đúng.

Tác giả Đỗ Thu Trang cũng viết về chủ đề tôn sùng người Châu Á trên blog của mình, nơi cô mỉa mai “Yellow Tinder” (hẹn hò người da vàng). Tuy nhiên đôi khi cô gặp phải sự hiểu lầm về các bài viết châm biếm của mình. “Blog hoạt động dựa trên khuôn mẫu, trách nhiệm của tôi là tôi viết nó như thế nào, nhưng trách nhiệm của người đọc là cách anh ta đọc nó ra sao,” cô nói. “Tôi sử dụng chữ viết tắt, những khuôn mẫu và sự khái quát, nhưng mỗi người đều khác nhau nên bài viết không thể áp dụng cho tất cả. Đó là về cách viết và độc giả nên lưu ý điều đó”, blogger phân tích.

Asijatka đã được đề cử cho giải thưởng Magnesia Litera trong hạng mục Blog của năm lần thứ hai trong năm nay, nhưng chưa một lần chiến thắng. Tác giả này không hề nuối tiếc, cô không quá kỳ vọng như cách đây 5 năm, khi lần đầu tiên lọt vào danh sách đề cử giải thưởng văn học. “Có lẽ vũ trụ đang cố nói với tôi rằng cuối cùng tôi nên xuất bản blog dưới dạng sách và thử một thể loại khác,” cô cười và nói.

Đỗ Thu Trang (31 tuổi)

  • Sinh ra ở Việt Nam và định cư tại Cộng hòa Séc từ năm 5 tuổi
  • Tới năm 11 tuổi cô được một gia đình người Séc nuôi dưỡng tại vùng nông thôn
  • Cô theo học ngành truyền thông tiếp thị và PR tại Khoa Khoa học Xã hội, Đại học UK, và hiện đang làm việc trong lĩnh vực này. Cô cũng học ngành nghiên cứu Đức-Séc tại Đại học Regensburg
  • Được biết đến là tác giả của blog Asijatka.cz, nơi cô viết về cuộc sống của phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa Séc
  • Cô đã hai lần được đề cử cho Giải thưởng Magnesia Litera trong hạng mục Blog của năm, lần đầu tiên vào năm 2015 và lần thứ hai trong năm nay
  • Năm 2015, Đỗ Thu Trang nhận giải Novinářská křepelka dành cho các tác giả dưới 33 tuổi

(BBT TamdaMedia)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil