Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser lo ngại ngành y tế có thể bị đảo lộn nếu hàng nghìn bác sĩ người Syria quyết định hồi hương, sau khi chính phủ của cựu tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.
Theo Euronews, Đức là điểm đến hàng đầu của những người tị nạn Syria trong suốt thập kỷ vừa qua. Và các bác sĩ, nhân viên y tế người Syria đã trở thành những nhân tố quan trọng trong bối cảnh nền y tế tại Đức đang phải vật lộn vì thiếu hụt lao động có tay nghề cũng như tình trạng “khủng hoảng người lớn tuổi” do già hóa dân số.
"Toàn bộ các lĩnh vực trong nền y tế sẽ sụp đổ nếu tất cả người Syria đang làm việc trong ngành y rời khỏi đất nước chúng ta", Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết mới đây.
“Đối với chúng tôi, điều quan trọng là chúng tôi đưa ra được lời đề nghị phù hợp cho những người Syria đang ở đây - những người đã có việc làm ổn định, đã hòa nhập với cuộc sống ở Đức, không phạm tội, có con cái đang theo học tại Đức, được tiếp tục ở lại đây và đóng góp cho nền kinh tế của chúng tôi”, bà Faeser nói rõ.
Người đứng đầu Liên đoàn các bệnh viện ở Đức Gerald Gass ước tính hiện người Syria chiếm khoảng 2 - 3% và chiếm nhiều nhất trong tổng số các bác sĩ nước ngoài ở Đức.
Khoảng 5.000 bác sĩ người Syria đang làm việc tại các bệnh viện. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach, hiện có đến hơn 6.000 bác sĩ người Syria và cũng theo ông, các bác sĩ người Syria là lực lượng không thể thiếu trong ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe nước này.
Trong số bác sĩ người Syria đang làm việc tại Đức có tiến sĩ Hiba Alnayef, bác sĩ trợ tá nhi khoa tại một bệnh viện ở Nauen, ngoại ô thủ đô Berlin. Bà cho biết mình đã xem Đức như quê hương thứ hai.
Tương tự, bác sĩ Ayham Darouich (40 tuổi), nguyên quán ở thành phố Aleppo, Syria, đến Đức từ năm 2007 để học y và có phòng khám riêng ở thủ đô Berlin từ năm 2021, chia sẻ trong vòng bạn bè của ông, không một ai có ý định quay trở lại Syria.
Tuy vậy, bác sĩ Darouich cho biết Chính phủ Đức cần hành động nhiều hơn nữa để có thể thuyết phục các chuyên gia y tế ở tại nước này sau khi học xong, cũng như nỗ lực hơn nữa để thu hút lao động nước ngoài đến Đức nhằm lấp đầy khoảng trống trong lực lượng lao động tại nước này.
“Chúng tôi nhận thấy các chuyên gia y tế tại những bệnh viện ở Đức có thu nhập thấp hơn so với các chuyên gia y tế ở Mỹ hay Thụy Sĩ. Ngoài ra, giờ làm việc cũng không ổn định và bệnh viện thiếu nhân viên y tế, bác sĩ, khiến những người đang làm phải làm việc nhiều hơn để bù đắp cho những khoảng trống về mặt nhân sự. Đây là những lý do khiến nhiều bác sĩ lựa chọn rời đi”, ông Darouich nói thêm.
Theo: Tuổi trẻ
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này