Theo các tổ chức môi trường như Arnika hay Greenpeace thì nguồn gây ô nhiễm lớn nhất trong năm 2023 là các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá. Nhờ vào nỗ lực của EU nhằm thay thế điện từ than bằng các nguồn tái tạo, lượng chất thải nguy hiểm thải ra môi trường, ví dụ như thủy ngân đã giảm. Các nhà máy gây ô nhiễm đứng đầu Séc là Spolana Neratovice, Počerady và Chvaletice.
Theo dữ liệu được trình bày, những nhà máy gây ô nhiễm nhất chủ yếu hoạt động tại các vùng Ústí, Moravsko-slezský và Pardubice. Ông Lukáš Hrábek của Greenpeace Séc cho biết, lượng khí thải nhà kính và các chất độc hại nguy hiểm đã giảm đáng kể, nhất là ở các nhà máy nhiệt sử dụng nguyên liệu than. Nguyên nhân là do các nhà máy này đã hoạt động ít hơn trong năm ngoái.
Các nhà sinh thái học vẫn nhận định các nhà máy đốt than Počerady và Chvaletice vẫn là những nhà máy gây ô nhiễm thủy ngân độc hại lớn nhất Séc vì họ được miễn trừ khỏi giới hạn phát thải. Nhà máy điện Počerady đã thải ra 306 kg thủy ngân và các hợp chất của nó vào không khí, nước và đất. So với năm trước, con số này giảm 23%. So với năm 2022, nhà máy điện Chvaletice thải ra ít thủy ngân hơn gần một nửa.
Tổng lượng thủy ngân thải ra giảm từ 2.231 kg xuống còn 1.593 kg so với cùng kỳ năm ngoái, điều mà các nhà sinh thái học coi là tin tốt. Tuy nhiên, theo họ, Cộng hòa Séc là quốc gia gây ô nhiễm thủy ngân nghiêm trọng. Ông Jiří Koželouh, người đứng đầu chương trình năng lượng của Phong trào Duha tuyên bố rằng việc đóng cửa các nguồn gây ô nhiễm lớn là cần thiết và giúp ích nhiều cho việc giảm các chất độc hại được thải ra. Theo phân tích của họ, lượng khí thải carbon dioxide sẽ giảm hơn sáu triệu tấn và việc cung cấp điện hoặc nhiệt cũng sẽ không bị ảnh hưởng.
Nguồn: ČTK
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này