Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen hôm 14/12 kêu gọi các cường quốc nỗ lực ngăn chặn sự sụp đổ của những thể chế thiết yếu tại Syria.
Kêu gọi của ông Geir Pedersen được đưa ra trong bối cảnh các nhà ngoại giao đang tập trung tại Jordan để tham dự hội nghị về Syria.
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ông Pedersen cũng ủng hộ một tiến trình chính trị đáng tin cậy và toàn diện nhằm thành lập chính phủ mới. Về phần mình, ông Blinken nhấn mạnh Liên hợp quốc đóng vai trò quan trọng trong công tác hỗ trợ nhân đạo và bảo vệ các cộng đồng thiểu số tại Syria.
Những nhà ngoại giao cấp cao từ các nước Arab, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu và Mỹ đang nhóm họp tại thành phố Aqaba của Jordan, một tuần sau khi lực lượng đối lập do các nhóm Hồi giáo lãnh đạo lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.
Liên minh do Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn dắt đã làm được điều mà nhiều nhóm nổi dậy trước đây không làm được trong suốt cuộc nội chiến ở Syria kéo dài 14 năm qua. Hình ảnh các tay súng ăn mừng chiến thắng xuất hiện trên khắp Syria, trong khi nhiều người dân cũng bắt đầu nghĩ tới một tương lai mới cho đất nước.
Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo việc chính phủ của ông Assad sụp đổ quá chóng vánh có thể để lại lỗ hổng quyền lực lớn, khiến Syria rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng nếu HTS không thể kiềm chế được các nhóm thành viên trong liên minh vốn rất lỏng lẻo của mình.
"Thật khó để thực hiện tiến trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ và nhanh chóng. Tốc độ thực hiện cùng những bất ổn có thể gây ra nhiều rủi ro cho những gì sắp tới, liên quan tới trách nhiệm giải trình cùng việc bảo vệ lợi ích của người dân Syria" - Sanam Vakil, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Viện nghiên cứu Chatham House ở London, nói.
Ông Assad đã cai trị Syria trong gần 25 năm, trong đó có nhiều năm đất nước chìm trong xung đột. Nội chiến, khủng hoảng kinh tế đã khiến hàng triệu người phải chạy trốn ra nước ngoài.
Chính quyền chuyển tiếp ở Syria vào ngày 8/12 cho rằng cần 18 tháng để thiết lập môi trường an toàn, trung lập và bình ổn trước khi tổ chức bầu cử để người dân chọn ra lãnh đạo mới. Đây được đánh giá là quãng thời gian tiềm ẩn nhiều bất ổn nhất với quốc gia Trung Đông này, khi các phe phái cùng những thế lực nước ngoài hậu thuẫn họ bắt đầu "phân chia miếng bánh".
(Nguồn: VTV)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này