Mối đe dọa từ Nga là có thật. Quân đội Cộng hòa Séc vì vậy đang khẩn trương hiện đại hóa, tuy nhiên theo Bộ trưởng Quốc phòng Jana Černochová (thuộc đảng ODS), vẫn còn tồn tại nhiều thiếu sót nghiêm trọng – ví dụ trong lĩnh vực phòng không. Hệ thống phòng không tối tân Patriot của Mỹ thì quá đắt đỏ và trong trường hợp bị đe dọa, Cộng hòa Séc sẽ phải dựa vào tên lửa Spyder của Israel.

Theo Tổng Thư ký NATO, Mark Rutte, mối đe dọa Nga tấn công các quốc gia châu Âu trong vòng 5-7 năm tới là có cơ sở thực tế. Bà có cùng nhận định không?
Quan điểm chuyên gia khác nhau về thời gian, nhưng không ai nghi ngờ rằng mối đe dọa là có thật. Có người nói 4 năm, người khác lại nói 7 năm – điều đó phụ thuộc vào tốc độ mà Nga có thể huy động lực lượng và công nghiệp quốc phòng. Chiến tranh ở Ukraine đã chứng minh rằng Nga có thể phản ứng rất nhanh, và có thể nhận được hỗ trợ từ các chế độ độc tài khác. NATO và EU đều đã nắm rõ điều này, nên chúng tôi đang nỗ lực khắc phục tình trạng tụt hậu trong hiện đại hóa quân đội – không chỉ của Séc mà của toàn châu Âu.
Một bộ phận công chúng lại cho rằng: nói như vậy là gieo rắc sợ hãi, vì Nga còn chưa kiểm soát được Ukraine…
Thật khó để thuyết phục những người tin trái đất là phẳng, rằng Holocaust chưa từng xảy ra, hay rằng chẳng có cuộc chiến nào ở Ukraine. Những người này cũng sẽ không bao giờ xem Nga là mối đe dọa an ninh hay Trung Quốc là mối đe dọa kinh tế.
Tuy nhiên, nếu nhìn khắp châu Âu thì có thể thấy rõ: nước nào càng gần Nga thì càng lo lắng hơn. Các nước Baltic, Ba Lan hay những nước Bắc Âu đều có ký ức lịch sử rõ ràng về Nga. Séc cũng có, nhưng có lẽ chưa đủ mạnh để khiến mọi người phải cảnh giác. Cá nhân tôi xem Nga là mối đe dọa nghiêm túc.
Không phải ai chỉ trích việc tăng chi ngân sách quốc phòng cũng phủ nhận chiến tranh – họ chỉ cho rằng còn cần tiền cho các lĩnh vực khác…
Giá như chúng ta đầu tư liên tục trong suốt 26 năm qua kể từ khi gia nhập NATO, thì giờ đã không cần gấp rút đến vậy. Điều đáng buồn là chúng ta đã không rút ra được bài học. Không chỉ có xung đột ở Ukraine – mà còn ở Trung Đông, châu Á – những cuộc xung đột này đều không hứa hẹn một tương lai hòa bình. Tôi không nói cần chuẩn bị chiến tranh, nhưng ít nhất phải phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa, có lực lượng quân đội hiện đại và được huấn luyện tốt – để răn đe chiến tranh và để kẻ thù không dám động đến Séc – một quốc gia thành viên của NATO.
Gần đây bà không còn nói về việc chuẩn bị cho chiến tranh như trước. Phải chăng để tránh gây hoang mang?
Chiến tranh ở Ukraine đã chứng tỏ điều ngược lại: một quốc gia được trang bị tốt có thể răn đe đối phương. Điều này đã đúng suốt hàng thế kỷ: nếu bạn đủ sức để chiến đấu, bạn có thể khiến kẻ thù không dám gây chiến. Chiến tranh lạnh là ví dụ rõ nhất.
Quân đội Séc hiện có sẵn sàng cho một cuộc xung đột như vậy không?
Chúng tôi có một khoản nợ rất lớn với quân đội, và không thể lừa dối người dân rằng chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ. Ngược lại – chúng tôi còn lâu mới có thể chuẩn bị đầy đủ. Nếu mua sắm vũ khí trong thời bình, chúng ta có thể mua nhiều hơn và rẻ hơn – bởi giá vũ khí không bị đẩy lên cao như trong thời chiến. Nhưng quân đội không chỉ thiếu phương tiện và nhân lực – chúng ta còn thiếu thốn nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng và trụ sở. Tổng số nợ nội bộ gần một nghìn tỷ koruna. Và thật công bằng khi thừa nhận rằng Séc chưa sẵn sàng để đối phó với mọi mối đe dọa.
Kinh nghiệm từ Ukraine và Israel cho thấy tên lửa và máy bay không người lái là mối đe dọa lớn nhất. Và điều khiến chúng ta đau đầu nhất chính là hệ thống phòng không yếu kém. Bà định củng cố hệ thống phòng không như thế nào?
Anh nói đúng – đây là vấn đề sống còn. Chiến sự ở Ukraine đã thể hiện rõ điều đó. Tôi đã yêu cầu Tổng Tham mưu trưởng Quân đội lập báo cáo phân tích nhu cầu phòng không, và sẽ sớm công bố trong vài tháng tới.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã có một số bước cụ thể. Chúng tôi sắp tiếp nhận hệ thống tên lửa phòng không Spyder từ Israel, cũng như đang đặt mua tiêm kích F-35. F-35 không chỉ là tiêm kích – đó là máy bay đa năng có khả năng giành thế thượng phong trên không. Điều này đã được minh chứng qua cuộc giao tranh trên không giữa Israel và Iran, nơi Israel đã sử dụng F-35. Tôi tin rằng F-35 cũng sẽ là sự tăng cường đáng kể cho hệ thống phòng không của Séc. Các hệ thống khác sẽ tiếp tục được mua sắm theo kế hoạch.
Hệ thống hiệu quả nhất để phòng vệ trước tên lửa Nga hiện nay là Patriot. Chúng ta có dự tính mua không?
Đáng tiếc là chính phủ ông Babiš và Bộ trưởng Quốc phòng khi đó, ông Metnar, đã không nghĩ xa để mua Patriot mà lại chọn Spyder – tuy cũng tốt nhưng không sánh được với Patriot. Tuy nhiên, tôi phải nói rằng Israel đang đẩy mạnh phát triển và thế hệ tiếp theo của hệ thống Spyder sẽ có năng lực tốt hơn. Nếu nhìn dưới góc độ chi tiêu hiệu quả, thì chúng tôi không thể mua thêm một nền tảng mới. Hãy nói thẳng, chúng tôi không có đủ tiền để mua hệ thống Patriot.
Vì quá đắt?
Vâng, rất đắt. Ngoài ra nó cũng là hệ thống hoàn toàn khác, đòi hỏi phải huấn luyện, bảo trì... Điều này sẽ là gánh nặng lớn cho quân đội.
Vậy hệ thống Israel có bảo vệ được khỏi tên lửa đạn đạo không?
Israel đang tiếp tục cải tiến, họ đã có nguyên mẫu thế hệ mới với năng lực mạnh mẽ hơn. Tôi không đi sâu vào chi tiết kỹ thuật.
Nhưng về mặt chính trị – chiến lược, phải chăng Séc sẽ đi theo hướng Israel thay vì Mỹ?
Những người tiền nhiệm của tôi đã quyết định như vậy. Và Cộng hòa Séc không thể đủ khả năng tài chính để từ bỏ một công nghệ này rồi đầu tư hoàn toàn vào cái mới.
Vấn đề lớn của quân đội là khó tuyển dụng và nhiều binh sĩ xin nghỉ. Bà kỳ vọng việc tăng lương sẽ giúp cải thiện?
Nếu tôi không tin thì đã không làm. Nhưng đó không phải là giải pháp duy nhất. Ngoài lương, chúng ta phải cải thiện điều kiện sống – để binh sĩ sẵn sàng đóng quân ở những nơi thiếu nhân sự. Nhiều nơi họ không muốn ở lại do thiếu cơ sở hạ tầng – không có điều kiện sống hoặc lập gia đình. Việc này cũng liên quan đến chính quyền địa phương.
Tăng lương sẽ giúp giữ lại người đang phục vụ – chẳng hạn chúng tôi bị mất nhiều nhân viên y tế và bác sĩ, nên chúng tôi đã tăng cả trợ cấp tuyển dụng và ổn định. Chúng tôi đã tăng phụ cấp nhà ở và chi phí di chuyển. Tôi có thể tự tin nói rằng: chỉ trong 4 năm, binh sĩ đã được tăng lương 4 lần.
Có bất công với giáo viên không? Chính phủ cam kết tăng lương cho giáo viên lên 130% mức trung bình, nhưng binh sĩ không được hứa như vậy…
Tôi là Bộ trưởng Quốc phòng và trách nhiệm của tôi là ngành của mình. Chuyện lương giáo viên còn phụ thuộc vào địa phương – tôi từng là thị trưởng quận Praha 2 và đã hỗ trợ rất nhiều để giáo viên không nghỉ việc – thậm chí cấp nhà ở công vụ cho họ.
Vấn đề tuyển dụng quân nhân là cấp bách – thiếu khoảng 14.000 người. Nếu an ninh là nền tảng quốc gia, thì phải bảo đảm có người thực hiện. Chúng tôi cần tổng cộng 37.000 binh sĩ – đây là con số theo kế hoạch quốc phòng NATO, không phải do chúng tôi tự nghĩ ra. Và chúng tôi không thể đạt được điều này nếu không tăng đầu tư để giữ người ở lại quân đội.
Chính phủ cam kết chi 5% GDP cho quốc phòng – tiền đâu ra?
Trong 5%, thì 1,5% sẽ dành cho tăng cường khả năng chống chịu của xã hội – bao gồm đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới, công nghiệp quốc phòng, dự trữ chiến lược và cơ sở hạ tầng. Hiện chúng tôi đã gần chạm mức này – đạt 1,3%.
Khó nhất là tăng chi quân sự "thuần túy" từ 2% lên 3,5% GDP. Tuy nhiên, chính phủ đã thông qua kế hoạch tăng dần ngân sách quốc phòng thêm 0,2% mỗi năm – tức là 18 tỷ korun/năm. Tôi tin tài chính công có thể đáp ứng được.
Người dân Séc đã sẵn sàng ứng phó với khủng hoảng chiến tranh chưa?
Tôi bất ngờ một cách tích cực khi thấy giới trẻ rất quan tâm. Chúng tôi kỳ vọng 300 người đăng ký huấn luyện tình nguyện mùa hè – nhưng có hơn 800 người.
Quan trọng là giới trẻ hiểu rằng phải có trách nhiệm bảo vệ tổ quốc và hành xử đúng đắn trong khủng hoảng. Không nhất thiết là khủng hoảng chiến tranh – tuần rồi chỉ là mất điện vài giờ mà nhiều người hoảng loạn, không biết làm gì. Vậy nên thật tốt nếu thanh thiếu niên biết cách phản ứng khi không thể tìm thông tin trên ứng dụng di động.
Vậy tại sao bà lại phản đối thảo luận về nghĩa vụ quân sự?
Tôi sẽ tiếp tục phản đối – vì chúng ta nên trân trọng đội quân chuyên nghiệp sau cuộc cách mạng Nhung – nơi người dân có thể chọn tham gia hoặc không.
Tôi không bài xích nghĩa vụ quân sự, nhưng cho rằng hiện chưa khả thi – chưa có hạ tầng, chưa có sự chuẩn bị. Trước mắt, hãy tập trung xây dựng đội ngũ binh sĩ được trả lương tốt, huấn luyện bài bản và trang bị đầy đủ. Trong khủng hoảng vẫn có thể huy động người dân theo hướng khác.
Về bất đồng với Tổng tham mưu trưởng Řehka – các bên đã làm hòa?
Tôi nghĩ bây giờ chúng tôi hợp tác tốt – có thể thấy qua các kết quả: hiện đại hóa quân đội, tăng lương cho binh sĩ – việc trước đây chưa từng làm được. Chuyện xung đột cá nhân thật sự không còn quan trọng.
Bà chính là người bổ nhiệm ông Řehka – giờ có thấy đó là sai lầm?
Tôi cho rằng đề tài đó đã cũ. Điều quan trọng là chúng tôi đã đạt được các kết quả cụ thể cho quân đội.
Bà tranh cử ở Praha – nếu tái lập chính phủ, ai là đối tác liên minh phù hợp?
Chúng tôi đã thử liên minh 5 đảng. Việc Pirate rút lui sau khi ông Bartoš bị cách chức khiến tôi tiếc – vì chúng tôi đã làm được rất nhiều việc. Tôi ủng hộ việc giữ nguyên cơ cấu liên minh cũ.
Kể cả với Pirate? Dù hiện nay họ... không đáng tin?
Tôi có thể tha thứ nhiều thứ – tôi đã làm chính trị nhiều năm và hiểu giá trị của thỏa hiệp. Họ không thích nhiều điều ở chúng tôi, và ngược lại – nhưng vẫn có thể cùng nhau tạo nên bức tường ngăn không cho các phe cực đoan lên nắm quyền.
Đảng ANO có phải là phe cực đoan?
Thái độ của ông Babiš làm bầu không khí trong Quốc hội căng thẳng – tôi không tưởng tượng được việc liên minh với ANO. Nhưng đó là vấn đề của Ban lãnh đạo ODS.
Còn nếu chẳng còn lựa chọn nào sau bầu cử?
Tôi không tưởng tượng được. ANO thậm chí đã đệ đơn kiện tôi hoặc người không rõ danh tính vì các hợp đồng quốc phòng – điều này là vượt quá giới hạn.
Tôi đã yêu cầu phó chủ tịch ANO – ông Havlíček – công khai các nghi vấn nếu có, vì nếu không – đó chỉ là chiêu bài chính trị lợi dụng hệ thống công lý. Tôi thấy thật lố bịch khi ông Metnar – người từng không hoàn tất nhiều hợp đồng thời làm Bộ trưởng – lại cũng ký đơn kiện.
ODS đã hiểu gì về vụ bê bối Bitcoin chưa?
Có thể ODS đã hiểu nhưng tôi thì vẫn thấy khó hiểu. Tôi rất tiếc vì ông Pavel Blažek ra đi trong hoàn cảnh đó – ông ấy từng làm nhiều việc tốt trong ngành Tư pháp, ví dụ cải cách bộ luật Hình sự.
Bà có nghĩ ông Blažek thực sự có ý tốt khi tham gia thương vụ đó?
Tôi không nghi ngờ ông ấy – theo tôi, ông chỉ cố mang nguồn tiền về giúp ngân sách Bộ Tư pháp. Tôi không nghĩ ông Blažek làm vì tư lợi cá nhân.
(Theo Novinky)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này