Sự cố mất điện kéo dài vài giờ hôm thứ Sáu tại một số khu vực ở Séc cho thấy lưới điện cần nhiều yếu tố điều tiết hơn và các thủ tục cấp phép kéo dài hàng thập kỷ cũng là trở ngại. Điện mặt trời không rẻ vì cần đầu tư lớn vào lưới điện – Giám đốc chiến lược công ty EGU Brno, ông Michal Macenauer, nói với báo Novinky.

Blackout hôm thứ Sáu nói nên điều gì?
Theo ông Macenauer, sự cố cho thấy: “Ngay cả hệ thống an toàn nhất cũng có thể gặp trục trặc khi điều kiện hội tụ. Việc lưới điện bị chia cắt vì quá tải không đồng nghĩa với sự sụp đổ hệ thống. Sự khôi phục diễn ra nhanh chóng. Nhưng nếu lưới có nhiều nguồn điện điều tiết hơn và quy trình cấp phép không kéo dài đến 10 năm, thì sự cố đã có thể được ngăn chặn.”
Điện từ Đức có ảnh hưởng gì đến lưới điện Séc?
“Tự bản thân luồng điện từ/to Đức không gây ra sự cố. Nhưng vì điện từ Đức – đặc biệt là điện tái tạo rẻ – chảy vào Séc và làm giảm tính hiệu quả của các nguồn điện điều tiết trong nước, điều đó làm giảm độ an toàn. Dù vậy, không thể nói đơn giản rằng lỗi thuộc về Đức hay năng lượng tái tạo. Vấn đề là chính các nguồn tái tạo đang đẩy giới hạn của hệ thống và làm cho nó dễ bị tổn thương hơn.”
Điều gì xảy ra khi các nhà máy nhiệt điện than bị đóng cửa?
“Không quan trọng nguyên liệu là gì – than có thể thay bằng khí đốt hoặc hạt nhân. Điều quan trọng là có nguồn điều tiết lớn. Khi thiếu, sự cố sẽ dễ xảy ra và ở quy mô lớn hơn. Các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn tồn tại, nhưng làm tăng chi phí điện tái tạo. Nhiều người trong ngành biết điều này, nhưng không ai muốn nói ra.”
Về sự chậm trễ trong việc xây dựng đường dây truyền tải mới:
“Từ năm 2016, CEPS đã có kế hoạch tăng cường đường dây tại khu vực gặp sự cố. Nhưng sau 9 năm chưa bắt đầu vì quy trình cấp phép cực kỳ phức tạp. Các tổ chức 'bảo vệ môi trường' liên tục phản đối, cản trở mọi dự án từ cao tốc đến đường dây điện. Cần giới hạn quyền can thiệp của họ, ít nhất với các công trình tuyến tính – vì lợi ích chung.”
Sự cố tương tự ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha hồi tháng 4:
“Ở đó, điện mặt trời là nguyên nhân chính. Khi xảy ra sự cố dây chuyền, điện mặt trời và điện gió đang chiếm 90% tải điện. Các nhà máy điện mặt trời phản ứng thái quá và tự ngắt khỏi lưới khiến mất công suất, tần số dao động, điện áp giảm và lưới bị sập hoàn toàn. Vậy nên điện mặt trời có ảnh hưởng rất lớn, dù về kỹ thuật có thể xử lý, nhưng sẽ tốn kém.”
Liệu Séc có rơi vào tình trạng tương tự?
“Có thể, dù cấu trúc lưới điện Séc khác Tây Ban Nha. Séc được kết nối với nhiều nước, Tây Ban Nha thì gần như 'cô lập'. Có thể dùng inverter hiện đại, nguồn dự phòng phân tán... nhưng tất cả đều cần đầu tư.”
“Ở mức vừa phải, điện mặt trời không gây vấn đề nếu có nguồn điện truyền thống hỗ trợ. Séc hiện có hơn 4 GW điện mặt trời, chưa có vấn đề lớn. Nhưng ở Đức, nơi có gió kết hợp, đã gây ra rủi ro. Từ một ngưỡng nhất định trở lên, năng lượng tái tạo cần các biện pháp kỹ thuật và tài chính rất lớn để lưới vẫn hoạt động an toàn.”
Điện mặt trời có thực sự rẻ?
“Không và chưa bao giờ rẻ cả. Người ta thường không tính đến chi phí tích hợp hệ thống: đo thông minh, tăng cường mạng điện, dự phòng tốn kém, tích trữ, điều tiết theo mùa… Chúng tôi tính toán rằng tổng chi phí trên mỗi kilowatt giờ trong hệ thống có phần trăm nguồn tái tạo cao hơn đáng kể – cao hơn 80 đến 250% so với hệ thống truyền thống.”
Dự báo về chi phí mạng điện trong tương lai?
“Hiện có hơn 22 GW đăng ký kết nối, phần lớn là năng lượng tái tạo. Nhưng khả năng thực hiện rất thấp. Năm 2030, Séc có thể đạt khoảng 8 GW điện mặt trời. Các nhà phân phối đang gặp khó khăn với yêu cầu kết nối trong khi phải tránh đầu tư quá mức. Dự đoán chi phí đầu tư mạng điện sẽ tăng 35–40% trong vòng một thập kỷ, và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá điện cho người tiêu dùng – phần giá điện điều tiết có thể tăng thêm 1–2% mỗi năm trên mức lạm phát.”
Điều chỉnh biểu giá điện:
Biểu giá mới đang trong giai đoạn chuẩn bị. Hệ thống hiện tại không phù hợp với xu hướng năng lượng mới. Ông Macenauer nói:
“Tỷ lệ chi phí cố định nên tăng lên, vì 95% chi phí mạng điện là cố định – không phụ thuộc bạn dùng bao nhiêu điện. Những người sử dụng điện linh hoạt, phối hợp tốt với lưới – như có bình tích nhiệt và cho phép nhà mạng điều khiển giờ hoạt động – nên được giảm giá. Còn người muốn dùng điện bất cứ khi nào và không phối hợp – thì nên trả nhiều hơn.”
Chứng chỉ phát thải cho hộ gia đình từ năm 2027?
“Không thể né được. Sẽ cần đảm bảo giá không tăng đột biến. Hiện cơ chế điều tiết giá là yếu. Kết quả đấu giá sơ bộ cho thấy giá cao hơn nhiều so với dự đoán ban đầu.”
Tóm lại: điện mặt trời và năng lượng tái tạo không miễn phí và đơn giản – nếu muốn dùng, cần trả giá cho việc xây dựng hạ tầng để vận hành chúng ổn định.
(Theo Novinky)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này