Tỉ phú Elon Musk tuyên bố chip Blindsight sẽ được cấy ghép trên người mù hoàn toàn vào cuối năm 2025, mở ra hy vọng khôi phục thị lực.

Tại Diễn đàn Kinh tế Qatar ngày 20-5, tỉ phú công nghệ Mỹ Elon Musk đã công bố kế hoạch đầy tham vọng của Công ty công nghệ thần kinh Neuralink: cấy chip Blindsight cho người mù hoàn toàn vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026 ở UAE.
Đây là bước tiến quan trọng sau thành công cấy ghép chip não cho năm người, giúp họ điều khiển chuột máy tính bằng suy nghĩ. Công nghệ này hứa hẹn mang lại ánh sáng cho hàng triệu người khiếm thị trên toàn thế giới nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi về tính khả thi và an toàn.
Công nghệ đột phá
Theo nền tảng tin tức Teslarati (thuộc Tesla), Blindsight tập trung vào việc khôi phục thị lực bằng cách truyền hình ảnh trực tiếp vào não. Neuralink đang lên kế hoạch hợp tác với Cleveland Clinic Abu Dhabi (bệnh viện đa chuyên khoa hàng đầu đặt tại đảo Al Maryah, Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) để thực hiện ca cấy ghép đầu tiên trên con người.
"Neuralink đã thử nghiệm thành công thiết bị Blindsight trên khỉ. Thiết bị hoạt động rất tốt và những con khỉ vẫn khỏe mạnh trong vài năm qua", ông Musk cho biết khi được hỏi về thời điểm chữa mù.
Ca thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên con người có thể diễn ra cuối năm nay, cho phép một người mù hoàn toàn có thể nhìn thấy, theo trang tin Mobi Health News. "Ban đầu hình ảnh sẽ có độ phân giải thấp nhưng theo thời gian thiết bị sẽ phát triển đến mức tạo ra khả năng thị lực vượt trội hơn người bình thường", ông Musk khẳng định.
Công nghệ mới còn cho phép con người nhìn thấy tia hồng ngoại, tia cực tím hoặc thậm chí bước sóng radar. Vào tháng 9-2024, Blindsight đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ công nhận là "thiết bị đột phá".
Điểm khác biệt của Blindsight so với các thiết bị cấy ghép võng mạc hiện tại là chip được cấy trực tiếp vào vùng vỏ não thị giác thay vì kết nối với dây thần kinh võng mạc. Vỏ não thị giác là bộ phận của não có chức năng tiếp nhận và xử lý thông tin hình ảnh từ võng mạc.
Tỉ phú Elon Musk cho biết công nghệ này sẽ giúp cả những người mất cả hai mắt và dây thần kinh thị giác có thể nhìn thấy, miễn là phần vỏ não thị giác còn nguyên vẹn.
"Ngay cả khi một người hoàn toàn không có thị lực như người mù bẩm sinh, chúng tôi vẫn tin rằng có thể khôi phục thị lực. Phần vỏ não thị giác vẫn tồn tại", Musk đã phát biểu như thế tại sự kiện Neuralink's Show & Tell năm 2022.
Tranh cãi về hiệu quả
Chuyên gia công nghệ Nigel Pereira nhận định Blindsight khác biệt so với các thiết bị hiện tại khi cấy trực tiếp vào vùng vỏ não thị giác, có khả năng hiệu quả với cả người mù bẩm sinh.
Nhà khoa học thần kinh Ione Fine tại Đại học Washington đánh giá: "Ông Musk sẽ tạo ra thiết bị cấy ghép vỏ não tốt nhất mà công nghệ hiện nay có thể đạt được. Nó không thể tạo ra thị lực giống như thị lực người bình thường nhưng đủ để thay đổi cuộc sống của người mù".
Tuy nhiên một số chuyên gia bày tỏ nghi ngờ về các tuyên bố của ông Musk. Nhà khoa học thị giác Gislin Dagnelie tại Đại học Johns Hopkins cho biết: "Tôi cảm thấy e ngại vì họ mô tả thiết bị một cách quá sơ sài. Chưa có đánh giá rõ ràng nào hoặc nghiên cứu tiền lâm sàng nào được công bố. Tất cả chỉ dựa trên tuyên bố: Hãy tin chúng tôi, vì chúng tôi là Neuralink".
Kỹ sư y sinh Philip Troyk tại Viện Công nghệ Illinois nhận định việc khôi phục hoàn toàn thị lực tự nhiên hiện vẫn vượt ngoài khả năng của công nghệ hiện đại. Trong các tuyên bố của Musk, ông cho rằng khả năng nhìn được tia hồng ngoại có thể khả thi vì một bệnh nhân của ông từng thử nghiệm công nghệ tương tự với 400 điện cực cấy ghép vào vỏ não thị giác.
Chip Blindsight có thể có hơn 1.000 điện cực nhưng kỹ sư Troyk cảnh báo sự thổi phồng quá mức có thể khiến những người tham gia thử nghiệm lâm sàng hiểu lầm, cũng như làm lu mờ những tiến bộ nhỏ nhưng có ý nghĩa trong lĩnh vực thị giác nhân tạo.
Cân nhắc được và mất
Tiến sĩ nhãn khoa Ethan Waisberg từ Đại học Cambridge cảnh báo khả năng tiếp cận công nghệ cấy ghép não bộ có thể bị hạn chế bởi chi phí và nguồn cung, khiến tình trạng bất bình đẳng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, phương pháp can thiệp trực tiếp vào não bộ có thể gây ra rủi ro về đạo đức cũng như nguy cơ rò rỉ dữ liệu riêng tư về hoạt động thần kinh và thị giác của cá nhân.
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này