Cụ ông 82 tuổi ở Quảng Đông không con cái, muốn để lại toàn bộ tài sản cho người nhận chăm sóc chú mèo cưng sau khi ông qua đời.
Vợ mất cách đây 10 năm, cụ ông sống đơn độc trong căn nhà nhỏ suốt thời gian qua. Một ngày mưa bão tháng 7/2022, một con mèo mẹ và ba chú mèo con đến trước cửa nhà ông tìm nơi trú ẩn.
Thương chúng, ông nuôi và đặt tên cho hai con mèo còn sống là "Siam Ba" và "Mulan". "Tôi không có con cái, người thân thích cũng không còn. Chúng là gia đình của tôi", ông chia sẻ.

Gần đây, ông dự định lập di chúc để lại toàn bộ tài sản và tiền tiết kiệm cho mèo. Tuy nhiên, luật sư cho biết pháp luật Trung Quốc quy định vật nuôi không thể trở thành người thừa kế hợp pháp. Người cao tuổi có thể lập di chúc kèm nghĩa vụ, trong đó chỉ định rõ một khoản tài sản hoặc tiền mặt dùng riêng cho chi phí sinh hoạt, y tế của thú cưng. Di chúc có thể nêu tên người được ủy thác, có thể là cá nhân đáng tin cậy hoặc tổ chức chuyên nghiệp, làm người giám sát thực hiện di chúc.
Ông bắt đầu đăng tin tìm người thừa kế sẵn sàng ký cam kết chính thức và chăm sóc mèo thay mình. "Tôi chỉ cần họ yêu quý và chăm sóc mèo của tôi thật tốt", ông nói thêm.
Đến nay chưa có ai chấp nhận đề nghị này.
Câu chuyện của ông lão là ví dụ điển hình cho người già cô độc ở Trung Quốc.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, đến cuối năm 2023, số người từ 60 tuổi trở lên ở Trung Quốc chiếm 21% dân số.
Bộ Dân chính và Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố, khoảng 60% người cao tuổi sống trong tình trạng cô độc (sống một mình hoặc chỉ sống cùng vợ/chồng), tăng 10,4 điểm phần trăm so với năm 2010.
Câu chuyện về ông lão được đài phát thanh và truyền hình Quảng Đông đưa tin, nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, gây ra cuộc tranh luận sôi nổi.
"Dù là mèo không thể tiêu tiền, nhưng nếu tìm đúng người, tiền của ông cụ vẫn có thể được dùng đúng cách để mang lại hạnh phúc cho con vật mà ông yêu thương nhất", một người nói.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này