Động cơ đằng sau sự rút lui của các ông trùm công nghệ Trung Quốc
KINH TẾ, Kinh tế thế giới
author09/09/2021 17:17

Ngoài việc tập trung cho đam mê cá nhân, nhiều nhà lãnh đạo các tập đoàn công nghệ từ chức vì muốn né khỏi sự đàn áp của Bắc Kinh.


Theo South China Morning Posts, sau ByteDance và Pinduoduo, nhà sáng lập JD.com – Richard Liu là người mới nhất từ bỏ vị trí lãnh đạo trong tập đoàn của mình sau cuộc “trấn áp” của Trung Quốc lên ngành công nghệ. Doanh nhân 48 tuổi vẫn sẽ giữ chức vụ Giám đốc điều hành tại JD.com, trong khi chức chủ tịch được trao cho người khác, theo Reuters.

Trước đó, vào đầu năm 2021, nhà sáng lập ByteDance và Tiktok – Zhang Yiming và nhà sáng lập Pinduoduo – Collin Huang Zheng, đều tuyên bố sẽ từ chức Giám đốc điều hành.

Nhà sáng lập JD.com – Richard Liu. Ảnh: AFP



Cả 2 đều là những tỷ phú thế hệ mới của Trung Quốc với đóng góp to lớn vào nền kinh tế Internet của đất nước tỷ dân trong hơn hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, lãnh đạo các “gã khổng lồ” Internet đang rút lui khỏi vai trò điều hành sau khi Bắc Kinh thực hiện cuộc đàn áp kéo dài đối với ngành công nghệ trong năm nay nhằm thực hiện “thịnh vượng chung” theo lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

PGS Victor Shi tại Đại học California, San Diego nói: “Các tỷ phú công nghệ biết rõ áp lực mà Chính phủ Trung Quốc dành cho giới siêu giàu. Tuy nhiên, họ đã ngộ nhận rằng những đóng góp to lớn của họ vào nền kinh tế Trung Quốc là đủ để thoát khỏi các cuộc trừng phạt. Giờ đây, nhiều doanh nhân chọn cách rút lui khỏi vị trí lãnh đạo hoặc hạn chế xuất hiện trước công chúng vì những lý do cá nhân”.

JD.com cho biết Richard Liu sẽ chuyển trọng tâm sang phát triển chiến lược dài hạn của gã khổng lồ thương mại điện tử và nhường lại ghế chủ tịch cho một người thân cận trong tập đoàn.

Trong khi đó, tỷ phú Huang của Pinduoduo rời vị trí lãnh đạo của trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới vì muốn “nghiên cứu ẩm thực và khoa học đời thường”. Nhà sáng lập ByteDance Yhang cũng rút lui để tập trung cho những đam mê cá nhân.

Theo Edward Tse, người sáng lập công ty cố vấn Gao Feng, những vấn đề trên đều góp phần vào sự rút lui của các nhà lãnh đạo. “Những nỗ lực của họ đã được đền đáp xứng đáng và giờ là lúc họ tận hưởng những thú vui của bản thân”, ông nói.

Tuy nhiên, có rất nhiều doanh nhân từ chức vì e ngại áp lực của Bắc Kinh đối với sự tăng trưởng không kiểm soát của ngành công nghệ và văn hoá làm việc tai tiếng tại những tập đoàn lớn. Huang từ chức giám đốc sau khi vụ nhân viên nữ đột quỵ trên đường đi làm về lúc nửa đêm gây rúng động khắp Trung Quốc, trong khi Zhang rút lui vì kế hoạch IPO của ByteDance bị đình trệ.

Năm 2019, Jack Ma – người sáng lập nổi tiếng của Alibaba, từ chức Chủ tịch ở tuổi 55 sau khi bị chỉ trích dữ dội vì ủng hộ “văn hoá làm việc 996” khét tiếng (làm việc bắt đầu từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần).

Ông cũng không xuất hiện trước đám đông sau khi kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty tài chính Ant Group thuộc Alibaba bị đình chỉ bất ngờ.

Đối với Richard Liu, doanh nhân 48 tuổi từng bị bắt ở Minneapolis, Minnesota vào năm 2018 vì cáo buộc hiếp dâm một nữ sinh. Dù các cáo buộc cuối cùng bị bãi bỏ, đây vẫn là một vết nhơ đối với nhà sáng lập JD.com.

Tuy nhiên, theo Feng Chucheng, một đối tác tại công ty nghiên cứu Plenum, việc sống ẩn không thể giúp các doanh nhân né ra khỏi “tầm ngắm” của chính quyền Bắc Kinh.

“Mối quan tâm của Bắc Kinh về an ninh mạng, bảo mật dữ liệu và độc lập về công nghệ là điều tối quan trọng” – ông cho biết.

(Nguồn: Zing)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil