Các khu vực được chọn thí điểm vùng phát thải thấp tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình sẽ hạn chế hoặc cấm ôtô, xe máy không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải.
Sáng 12/12, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô sửa đổi. Vùng phát thải thấp (LEZ) là khu vực được xác định để hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Theo nghị quyết, từ năm 2025 đến 2030, thành phố sẽ thí điểm lập vùng LEZ ở một số khu vực của quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; đồng thời khuyến khích các quận huyện khác lập vùng này. Từ năm 2031 trở đi, các khu vực có một trong các tiêu chí sau sẽ phải thực hiện vùng LEZ.
Có hai tiêu chí, đó là vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải được xác định tại Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; vùng thường xuyên ùn tắc giao thông và có chất lượng không khí trung bình năm đánh giá trong tối thiểu một năm gần nhất không đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Những vùng LEZ sẽ phải áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo môi trường như: Cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel; hạn chế hoặc cấm ôtô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và môtô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 đi vào vùng LEZ theo thời điểm hoặc khu vực.
UBND thành phố sẽ đề xuất ban hành các loại phí và lệ phí đối với phương tiện cơ giới đường bộ lưu thông trong vùng LEZ; đề xuất chính sách hỗ trợ người sinh sống và làm việc trong vùng LEZ, các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang dùng năng lượng sạch, phương tiện không phát thải.
Hà Nội sẽ có chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch từ ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí hợp pháp khác; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng LEZ và có các biện pháp khác phù hợp với đặc thù của địa phương.
Thảo luận tại hội trường trước khi bấm nút thông qua nghị quyết, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng đây là nghị quyết quan trọng ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân Thủ đô. Trước khi áp dụng vùng LEZ, các cơ quan phải đánh giá được tác động kinh tế xã hội, đặc biệt với người dân khi phải chuyển đổi xe gây ô nhiễm sang phương tiện xanh.
Giải đáp ý kiến, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam cho hay dự thảo nghị quyết đã được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các sở ngành, quận huyện và người dân. Kết quả lấy cho thấy người dân cơ bản đồng tình.
Làm rõ thêm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường cho hay nghị quyết mới nêu nguyên tắc ban đầu về cơ chế chính sách hỗ trợ người dân sống trong vùng LEZ. Tại phiên chất vấn chiều 11/12, Chủ tịch thành phố gợi mở một số cơ chế hỗ trợ người sử dụng phương tiện, trước hết là xe máy ô nhiễm chuyển đổi sang điện. Sở đang xây dựng bốn dự thảo nghị quyết cụ thể hóa Luật Thủ đô, trong đó có chính sách liên quan đến nội dung này.
Hà Nội đang đối mặt với ô nhiễm không khí. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016-2020, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại thành phố vượt gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Nồng độ bụi PM10 trung bình năm vượt quá giới hạn quy chuẩn Việt Nam từ 1,3 đến 1,6 lần.
Thành phố xác định nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu là phát thải từ phương tiện giao thông đường bộ, chiếm 58-74% tùy từng thời điểm (phương tiện phát thải chính là xe máy, tiếp đến là xe tải và taxi) và nguồn bụi đường. Thống kê của Sở Giao thông Vận tải, tổng số phương tiện của Hà Nội đến tháng 4/2024 là trên 8 triệu, trong đó hơn 1,1 triệu ôtô, khoảng 6,9 triệu xe máy. Số xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm hơn 72% làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu các xe cũ không được bảo dưỡng thường xuyên.
Theo: VnExpress
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này