Vệ tinh bí mật của Nga được cho là hỗ trợ chương trình vũ khí hạt nhân chống vệ tinh đang có dấu hiệu mất kiểm soát, làm dấy lên lo ngại về an ninh không gian toàn cầu.
Vệ tinh Cosmos 2553, được Nga phóng lên quỹ đạo chỉ vài tuần trước khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine đầu năm 2022, đã nhiều lần có các chuyển động bất thường trong năm qua. Dữ liệu từ hệ thống radar Doppler của công ty theo dõi không gian LeoLabs cùng dữ liệu quang học từ Slingshot Aerospace cho thấy thiết bị có thể đang mất kiểm soát.
Được cho là một vệ tinh radar phục vụ hoạt động tình báo và thử nghiệm bức xạ, Cosmos 2553 trở thành tâm điểm trong các cáo buộc từ phía Mỹ vào năm 2024, khi Washington khẳng định Nga đang phát triển một loại vũ khí hạt nhân có thể phá hủy mạng lưới vệ tinh, trong đó có hệ thống Starlink của SpaceX – công nghệ được quân đội Ukraine sử dụng rộng rãi trên chiến trường.

Cosmos 2553 - mảnh ghép bí ẩn trong cuộc đua ngoài không gian
Theo các quan chức Mỹ, bản thân Cosmos 2553 không phải là một vũ khí, nhưng nó đóng vai trò hỗ trợ nghiên cứu cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân chống vệ tinh của Nga. Moscow đã bác bỏ cáo buộc này, khẳng định thiết bị chỉ phục vụ mục đích nghiên cứu.
Với bề dày thành tích trong lĩnh vực không gian và từng đưa người đầu tiên lên vũ trụ năm 1961, Nga cạnh tranh quyết liệt với Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Những năm gần đây, cuộc đua này ngày càng gay gắt khi không gian trở thành mặt trận chiến lược giữa các cường quốc và là điểm nóng cạnh tranh của lĩnh vực tư nhân về công nghệ quân sự hỗ trợ các lực lượng mặt đất.
Cosmos 2553 được đưa vào quỹ đạo ở độ cao khoảng 2.000km, khu vực có mật độ bức xạ vũ trụ cao mà các vệ tinh thông tin liên lạc hoặc quan sát Trái Đất thường tránh.
Tháng 11/2024, LeoLabs phát hiện chuyển động bất thường của vệ tinh này qua dữ liệu radar từ mạng lưới trạm mặt đất toàn cầu. Ông Darren McKnight, Chuyên gia kỹ thuật cấp cao của LeoLabs cho biết, các báo cáo tháng 12/2024 cho thấy vệ tinh của Nga đang quay không kiểm soát. Báo cáo này có độ tin cậy cao do dựa trên dữ liệu bổ sung và hình ảnh từ một công ty không gian khác.
Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa bình luận về thông tin trên.
“Các quan sát cho thấy rõ ràng vệ tinh đã không còn hoạt động”, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington, nhận định trong Báo cáo đánh giá mối đe dọa không gian thường niên công bố ngày 25/4.
Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ, cơ quan theo dõi các vật thể trong vũ trụ, cho biết họ đã ghi nhận thay đổi về độ cao của Cosmos 2553, nhưng từ chối đưa ra đánh giá chi tiết hơn về tình trạng hiện tại của vệ tinh này.
Trong các lần theo dõi trước, vệ tinh này cũng có những chuyển động bất thường. Theo Slingshot Aerospace, đơn vị sử dụng mạng lưới kính viễn vọng toàn cầu để theo dõi Cosmos 2553 từ khi nó được phóng vào ngày 5/2/2022, cho thấy khả năng vệ tinh này đang quay tự do. Cosmos 2553 cũng từng có dấu hiệu thay đổi độ sáng vào tháng 5/2024.
Tuy nhiên, theo bà Belinda Marchand, Giám đốc Khoa học của Slingshot, các quan sát mới nhất cho thấy vệ tinh có vẻ đã ổn định trở lại.
Khi không gian trở thành mặt trận mới
Các dịch vụ giám sát không gian thương mại tuy còn non trẻ nhưng đang phát triển nhanh chóng và trở thành nhu cầu cấp thiết khi số lượng vệ tinh dân sự và quân sự tăng mạnh.
Quân đội Mỹ và nhiều nước khác đang ưu tiên nâng cao năng lực giám sát quỹ đạo nhằm giảm nguy cơ hiểu nhầm quân sự, cũng như phân biệt rõ ràng giữa thiệt bị dân sự và thiết bị quân sự.
Người phát ngôn Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ cho biết, phía Nga khẳng định nhiệm vụ của Cosmos 2553 là thử nghiệm các thiết bị trong môi trường bức xạ cao, nhưng điều này không phù hợp với các đặc điểm hoạt động của nó.
“Sự bất nhất này, cùng với việc Nga từng tuyên bố sẵn sàng nhắm vào các vật thể trên quỹ đạo của Mỹ và đồng minh, làm tăng nguy cơ hiểu lầm và leo thang căng thẳng”, người phát ngôn Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ nhấn mạnh.
Cosmos 2553 là một trong nhiều vệ tinh của Nga bị nghi ngờ phục vụ cho các chương trình quân sự và tình báo. Moscow từng tuyên bố coi hệ thống vệ tinh Starlink của SpaceX là mục tiêu quân sự hợp pháp, công nghệ này đang hỗ trợ các đơn vị Ukraine trên chiến trường.
Cả Nga, Trung Quốc và Mỹ đều đang đầu tư hàng chục tỷ USD vào năng lực quân sự không gian, đồng thời tiến hành nhiều thử nghiệm công nghệ bí mật có tiềm năng phục vụ mục đích chiến đấu. Điều này làm dấy lên lo ngại về tính pháp lý của các hành động trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột không gian trong tương lai.
Chính quyền Mỹ trong những năm gần đây cũng ngày càng công khai coi không gian là một đấu trường quân sự, dù phần lớn các hoạt động vẫn nằm trong vòng bí mật và chủ yếu vẫn dựa vào hợp tác với các công ty tư nhân như SpaceX.
Năm 2024, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Kiểm soát vũ khí dưới thời Tổng thống Joe Biden, bà Mallory Stewart từng tuyên bố rằng Nga đang “xem xét tích hợp vũ khí hạt nhân vào chương trình chống vệ tinh của nước này”.
Ba quan chức Mỹ am hiểu tình báo cho biết, các cáo buộc cụ thể của Mỹ gần đây chủ yếu dựa trên vụ phóng vệ tinh Cosmos 2553, sự kiện được đánh giá là bước tiến đáng kể trong chương trình phát triển vũ khí không gian của Nga.
Nguồn: VOV
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này