Sau khi Ủy hội sông Mê Kông (MRC) đề nghị bổ sung tài liệu liên quan dự án kênh đào Phù Nam Techo, Campuchia cho biết đang cân nhắc phản ứng tốt nhất.

Tờ Khmer Times ngày 26.4 dẫn thông cáo của Ủy ban Quốc gia sông Mê Kông Campuchia cho hay nước này đang làm việc với các tổ chức chuyên gia để đánh giá tính khả thi của việc đáp ứng đề nghị của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) về việc bổ sung tài liệu liên quan dự án kênh đào Phù Nam Techo.
Trong thông cáo đưa ra vào chiều 25.5, Ủy ban Quốc gia sông Mê Kông Campuchia (CNMC) nhắc lại việc Campuchia chính thức thông báo với Ban thư ký MRC về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam Techo vào ngày 8.8.2023.
Thông báo tuân thủ định dạng thông báo chính thức và kèm các tài liệu dự án có liên quan, theo các thủ tục của MRC về thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận.
Sau đề nghị gần đây từ Ban thư ký MRC về việc cung cấp thêm thông tin, CNMC xác nhận rằng họ đang hợp tác với các tổ chức chuyên gia của Campuchia để cân nhắc phản ứng tốt nhất.
Trước đó hôm 17.4, Campuchia và Trung Quốc ký thỏa thuận về dự án kênh đào Phù Nam Techo trị giá 1,156 tỉ USD.
Thỏa thuận được ký trong chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Lễ ký kết có sự hiện diện của ông Sun Chanthol, Phó thủ tướng kiêm Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia và ông Vương Thông Châu, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc.
Được triển khai theo mô hình Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao (BOT) theo luật PPP của Campuchia, dự án đảm bảo quyền sở hữu đa số của quốc gia, với các nhà đầu tư trong nước nắm giữ 51% cổ phần và các đối tác Trung Quốc giữ lại 49% còn lại.
Đến ngày 22.4, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen nói rằng chuyến thăm của ông Tập có lợi đáng kể cho quan hệ song phương, đặc biệt là trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Tuy nhiên, ông nói rõ thêm rằng chính phủ Campuchia có thể đầu tư cho dự án và hoàn thành đúng tiến độ ngay cả trong trường hợp không có sự tham gia của phía Trung Quốc.
Dự án động thổ vào ngày 5.8.2024 và dự kiến hoàn thành vào năm 2028.
Với tổng chiều dài 180 km trải dài từ khu vực Prek Takeo trên sông Mê Kông đến tỉnh ven biển Kep, kênh đào này sẽ tạo ra một hành lang đường thủy nội địa - hàng hải mới có khả năng phục vụ tàu thuyền trọng tải lên đến 3.000 tấn. Dự án sẽ bao gồm việcđào kênh, xây dựng các âu tàu, cũng như hỗ trợ cơ sở hạ tầng hàng hải và hậu cần. Kênh đào đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep.
Nguồn: Thanh Niên
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này