Việc chính quyền Tổng thống Trump nhắm tới các nhân viên FBI từng điều tra ông đang gieo rắc khủng hoảng và không khí hoang mang tại cơ quan này.
Tuần trước, 6 quan chức cấp cao nhất của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tập trung tại tổng hành dinh ở Washington để nghe chỉ thị khẩn cấp từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Một người từng là điều tra viên chính trong vụ tấn công khủng bố 11/9. Một người khác dẫn dắt cuộc điều tra vụ ám sát hụt nhắm vào ông Trump mùa hè năm ngoái. Tất cả họ đều đang chờ chỉ thị từ Brian Driscoll, người được chỉ định làm lãnh đạo tạm quyền của FBI sau khi giám đốc Christopher Wray từ chức hồi tháng 12/2024.
![Đặc vụ FBI đứng canh gác bên ngoài một khu chung cư trong cuộc đột kích nhập cư hôm 5/2 tại Denver. Ảnh: AP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/07/download1-jpeg-1738899195-2013-1738900017.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3ppDKo2pt411FQUns51jeQ)
Driscoll vừa đến sau cuộc họp căng thẳng với Emil Bove, quyền Thứ trưởng Tư pháp do ông Trump bổ nhiệm. Trong cuộc họp, Bove đã yêu cầu Driscoll ra tối hậu thư cho nhóm quan chức cấp cao FBI: Từ chức trước ngày 3/2 hoặc bị sa thải.
Họ có 4 ngày để ra quyết định. "Tôi đã cố gắng ngăn chặn điều này", Driscoll nói với cả nhóm.
Hai tuần sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump và nhóm của ông đã nhanh chóng cắt giảm các chương trình viện trợ, hủy bỏ những sáng kiến đa dạng hóa và tinh giản hàng nghìn công chức khỏi bộ máy chính quyền.
Tại Bộ Tư pháp và FBI, các cuộc sa thải nhân viên diễn ra nhanh chóng và sâu rộng, tập trung vào những người từng tham gia các cuộc điều tra nhằm vào ông Trump.
Hơn 20 quan chức cấp cao trong cả hai cơ quan này và hàng chục công tố viên khác đã mất việc. Chính quyền Trump bắt đầu lập danh sách hàng nghìn người khác mà họ sẽ tiến hành đánh giá lại, làm dấy lên lo ngại sẽ còn nhiều người nữa bị sa thải.
Chính quyền cũng phát đi tín hiệu họ sẽ chuyển nhiều người hơn trong 38.000 nhân viên, nhà phân tích và chuyên gia kỹ thuật của FBI sang bộ phận giám sát nhập cư bất hợp pháp, nhiệm vụ mà cơ quan này từng chỉ thực hiện vai trò rất hạn chế.
Một thập kỷ qua, các lãnh đạo tại FBI và Bộ Tư pháp chủ yếu tập trung vào các mối đe dọa từ nước ngoài, trong đó có chống khủng bố, tội phạm mạng, cũng như đối phó hoạt động gián điệp của Trung Quốc và Nga.
Kash Patel, người được Tổng thống Trump đề cử làm giám đốc FBI, dự kiến thu hẹp hoạt động phản gián và chống khủng bố của cơ quan này. Trong phiên điều trần phê chuẩn chức vụ tại Thượng viện hồi tuần trước, ông chỉ đề cập đến Trung Quốc một cách sơ sài và không nói về bất kỳ mối đe dọa nào từ Nga.
Theo các phụ tá của Patel, ông nhiều khả năng sẽ rút đặc vụ FBI khỏi các cuộc điều tra gian lận chứng khoán, vi phạm luật chống độc quyền cùng những vụ án kinh tế khác sang theo đuổi các chuyên án về ma túy và tội phạm, bạo lực đường phố.
Bove, người từng là luật sư bào chữa hình sự của ông Trump, được bổ nhiệm vào ghế quyền Thứ trưởng Tư pháp để giám sát toàn bộ hoạt động của FBI, cơ quan đóng vai trò là nhánh điều tra của Bộ. Trong tuần qua, ông đã gọi điện cho trưởng phòng FBI ở nhiều thành phố để đảm bảo rằng họ tuân thủ nghiêm ngặt chương trình nghị sự cứng rắn về nhập cư mà Tổng thống Trump theo đuổi, đồng thời công khai vai trò của họ trên mạng xã hội, theo các nguồn thạo tin.
Một viên chức hành pháp cho biết nhiều đặc vụ làm công tác điều tra tội phạm hoặc an ninh quốc gia đã được cấp trên giao danh sách họ tên, địa chỉ của những người bị nghi nhập cư bất hợp pháp, khiến họ không biết chính xác vai trò hiện tại của mình là điều tra viên hay nhân viên thực thi luật nhập cư.
![Emil Bove tại Tòa án Hình sự New York ở Manhattan hồi tháng một. Ảnh: Reuters](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/07/2025-01-10T155104Z-1326754470-1416-9496-1738900017.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UqxyyDnQwaYIjebuWOo_sw)
Các nhân viên FBI khác cho hay nhiều đặc vụ đang cảm thấy mất phương hướng, không biết phải làm gì với những vụ án hiện tại và nhiệm vụ mới. Một đặc vụ điều tra nạn bóc lột trẻ em gần đây được chỉ đạo hỗ trợ Bộ An ninh Nội địa về công tác nhập cư. Một giám sát viên trong bộ phận phản gián cũng nhận được lệnh tương tự.
Theo các nguồn tin am hiểu vấn đề, quyền Thứ trưởng Bove còn ra lệnh cho lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố, được thành lập sau vụ khủng bố 11/9/2001, tham gia chiến dịch trấn áp người nhập cư trái phép. Tuy nhiên sau đó, ông đã nhượng bộ khi các viên chức FBI giải thích rằng việc điều chuyển này sẽ khiến các đặc vụ không thể giám sát hiệu quả những kẻ khủng bố tiềm tàng.
Hơn 10 công tố viên liên bang từng làm việc trong các cuộc điều tra liên quan đến ông Trump hôm 27/1 nhận được thông báo sa thải qua email với lý do "không đáng tin cậy để thực hiện chương trình nghị sự của Tổng thống". Một công tố viên thậm chí còn bị nhân viên an ninh kèm sát khi đến bàn làm việc để thu dọn đồ đạc cá nhân và không được gửi email tạm biệt tới đồng nghiệp.
Hôm 31/1, Bove gửi một bản ghi nhớ cho Driscoll thông báo 6 quan chức cấp cao FBI phải từ chức hoặc bị sa thải để đảm bảo "khả năng phản ứng nhiệt tình với sự lãnh đạo và chỉ thị từ Tổng thống Trump".
Trong bản ghi nhớ, quyền Thứ trưởng cũng yêu cầu FBI cung cấp danh sách tất cả những đặc vụ đã tham gia cuộc điều tra vụ bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1/2021.
Nhân viên tại mọi văn phòng của FBI, kể cả Driscoll, đều tham gia cuộc điều tra này, làm dấy lên lo ngại về một cuộc "thanh trừng hàng loạt".
Cũng vào ngày 31/1, khoảng 30 công tố viên tại văn phòng công tố ở Washington bị sa thải. Tất cả họ đều đã làm việc trong các vụ truy tố liên quan đến cuộc bạo loạn Đồi Capitol.
Bove đã gửi một bản ghi nhớ nói rằng họ được tuyển dụng không đúng quy trình và là một phần trong "hành động phá hoại nhân sự" của chính quyền cựu tổng thống Joe Biden.
Hàng nghìn đặc vụ FBI đã được lệnh trả lời một cuộc khảo sát gồm 12 câu hỏi về mức độ tham gia của họ trong cuộc điều tra vụ bạo loạn Đồi Capitol. Câu hỏi chính trong bản khảo sát là "vai trò của bạn đối với các cuộc điều tra hoặc truy tố liên quan đến những sự kiện xảy ra tại hoặc gần Đồi Capitol vào ngày 6/1/2021?".
Driscoll, người từng tham gia nhóm giải cứu con tin của FBI, cho biết trong email gửi tới nhân viên hôm 4/2 rằng ông đã cho lập danh sách khoảng 5.000 nhân viên FBI tham gia cuộc điều tra theo yêu cầu của quyền Thứ trưởng Bove, nhưng chỉ liệt kê số hiệu, vị trí và vai trò, không thể hiện tên tuổi cụ thể của từng người, nhằm bảo vệ danh tính của họ.
Bove ngày 5/2 chỉ trích Driscoll bất tuân mệnh lệnh khi từ chối báo cáo tên tuổi "nhóm cốt cán" tại chi nhánh FBI Washington đã tham gia cuộc điều tra vụ bạo loạn Đồi Capitol.
Ông cho hay hành động của Driscoll đã thúc đẩy ông yêu cầu FBI nộp danh sách toàn bộ các đặc vụ liên quan đến cuộc điều tra, thêm rằng chỉ những người "hành động với mục đích sai trái hoặc thiên vị" mới phải lo lắng.
Các đặc vụ FBI tham gia cuộc điều tra vụ bạo loạn Đồi Capitol đã đệ đơn kiện nhằm ngăn Bộ Tư pháp công khai danh sách trên, khiến họ và gia đình gặp nguy hiểm.
Hiệp hội Đặc vụ FBI cho hay một số nhân viên lo lắng về nguy cơ bị sa thải đến mức đã thu dọn sẵn bàn làm việc. Nhằm dập tắt những tin đồn đang lan truyền nhanh chóng, FBI ra tuyên bố khẳng định quyền giám đốc Driscoll "vẫn tiếp tục phục vụ với vai trò của mình".
Dù vậy, theo các nhân viên FBI, giữa bầu không khí hoang mang và hỗn loạn, công việc tại cơ quan điều tra hàng đầu nước Mỹ đã đình trệ đáng kể. Cuộc giao ban hàng ngày để báo cáo về mối đe dọa cho các lãnh đạo cấp cao FBI đã bị rút ngắn. Và lần đầu tiên sau nhiều năm, lãnh đạo nhóm an ninh mạng của FBI không có gì để báo cáo trong nhiều ngày, gây ấn tượng rằng công việc của họ gần như tê liệt.
Hiệp hội Đặc vụ FBI đã đề nghị các thành viên không chủ động từ chức. "Chúng tôi không bao giờ ủng hộ việc không tuân thủ mệnh lệnh, nhưng các bạn cần phải hiểu rõ rằng việc sa thải các bạn không phải là tự nguyện", tin nhắn từ Hiệp hội có đoạn.
Họ tiếp tục gửi một thông điệp khác vào ngày 2/2, hướng dẫn các đặc vụ trả lời cuộc khảo sát về bạo loạn Đồi Capitol bằng nội dung: "Tôi chưa được thông báo về quyền của mình trong vấn đề này".
Ngày 3/2, Hiệp hội và những người ủng hộ khác viết thư gửi quốc hội cho biết hành động của Bộ Tư pháp có nguy cơ làm gián đoạn công việc tại FBI, "tạo ra bầu không khí xao nhãng nguy hiểm" và gây ảnh hưởng tiêu cực tới các cuộc điều tra.
Dù vậy, vào tuần trước, 6 giám đốc điều hành cấp cao FBI cuối cùng vẫn phải dọn dẹp văn phòng và nộp lại thẻ công vụ. Một số đặc vụ lâu năm khác cho hay cũng đang xem xét khả năng rời đi.
Khi nghe một đặc vụ cấp cao tiết lộ về ý định này, một cựu quan chức FBI bày tỏ: "Tôi không thể tưởng tượng được Bộ Tư pháp sẽ ra sao nếu thiếu anh".
"Bộ ấy đã không còn nữa", đặc vụ FBI trả lời.
Nguồn: Vnexpress
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này