Trong thời gian gần đây, kratom là một chất được nhiều người trẻ tại Séc yêu thích. Nó phổ biến ở các sinh viên đại học và học sinh trung học và cũng đang dần xuất hiện trong cặp của học sinh tiểu học. Kratom thể mua được ở mọi nơi mà không bị hạn chế như trong các cửa hàng večerka, máy bán hàng tự động hay trên internet,… Tuy nhiên nếu sử dụng nó trong thời gian dài hoặc với số lượng lớn có thể gây nghiện.

Kratom là tên của một nhóm thực vật thuộc họ cây cà phê (Rubiaceae), có tên khoa học là Mitragyna speciosa, đây là loài cây có nguồn gốc từ Đông Nam Á và xuất hiện nhiều tại các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Papua New Guinea. Ngoài cái tên Kratom ra, nó còn có nhiều cái tên khác như Maeng Da, Ketum, Biak-biak, Thom, Thang và Kakum.
Kratom dùng một lần có thể gây kích thích với liều lượng nhỏ, nhưng có thể gây kiệt sức khi dùng với liều lượng lớn và về lâu dài nó sẽ gây nghiện.
Bác sĩ của Bệnh viện Đại học Tổng hợp Praha Tomáš Jandáč cho biết: “Trong kratom có chứa các chất giống như ở trong heroin và các dạng chất thuốc phiện khác. Đó cũng là nguyên nhân khi sử dụng kratom có thể gây nghiện.”
Chất này không chỉ gây nghiện mà khi kết hợp với rượu hoặc thuốc có thể dẫn đến tử vong khi dùng quá liều. Trong năm ngoái có 50 người đã thiệt mạng có liên quan đến việc sử dụng kratom.
Trong các cuộc kiểm tra ở nước ngoài, trong các gói kratom thậm chí còn phát hiện ra có thuốc trừ sâu và kim loại nặng, những thứ này đều gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Trong năm qua, số người nghiện kratom ở tuổi vị thành niên đã tăng lên đáng kể. Kratom được trẻ em mua thường xuyên mặc dù một số người còn không biết rõ kratom là gì. Trên bao bì cũng không có cảnh báo trực tiếp nào mà chỉ có “không nên tiêu thụ trực tiếp” và được đánh dấu là “mặt hàng của người sưu tầm.”
Kratom có thể mua ở bất kỳ đâu như trong các cửa hàng večerka, trên internet hay các máy bán hàng tự động. Kratom không bị cấm ở Séc, nhưng nó lại bị cấm ở một số quốc gia như Slovakia. Các cơ quan chức năng tại Séc hiện đang thảo luận về việc đưa kratom vào danh sách các chất gây nghiện để dễ quản lý hơn ở trong nước.



Việc dùng trên 15g thì trà Kratom sẽ như một chất gây nghiện, nó khiến người dùng mất đi ý thức. Đây chính là một trong tác hại khôn lường của lá Kratom, ngoài bị mất ý thức thì nó còn có các tác dụng phụ khác như táo bón, mất nước, giảm cân, ảo giác, rối loạn tâm thần,….Nếu dùng nhiều dễ bị nghiện.
Do đó, FDA đưa trà kratom vào danh sách từ chối cấp phép lưu hành các thực phẩm chức năng hay thuốc Đông dược có thành phần từ lá kratom. Hơn nữa, Cơ quan Thực thi Ma túy (DEA) đã liệt kê kratom là một loại thuốc đáng lo ngại.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) nhận định kratom có thể gây hại sức khỏe như thuốc phiện với các triệu chứng như buồn nôn, suy hô hấp, ảo giác.
Vì vậy, nếu bạn muốn dùng trà Kratom thì cũng nên xem xét, cân nhắc khi dùng, tốt nhất phải hỏi rõ bác sĩ nếu muốn dùng hay trong đơn thuốc có thành phần từ lá Kratom.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này