Ngày 1/11, đạo luật “Tự xác định giới tính” (Selbstbestimmungsgesetz) của Đức đã có hiệu lực. Luật này đơn giản hóa quá trình thay đổi giới tính và tên trên các giấy tờ chính thức, nhưng đã gây nên nhiều tranh cãi.
Có thể “đổi tên, thay giới tính” mà không cần đưa ra lý do
Luật tự xác định giới tính của Đức chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11. Luật đơn giản hóa quá trình thay đổi giới tính và tên trên các giấy tờ chính thức.
Luật tự xác định giới tính của Đức có hiệu lực từ 1/11 đang gây nên tranh cãi ở trong nước và trên quốc tế (Ảnh: Deutsche Welle)
Từ nay, người Đức sẽ được tự do thay đổi tên và giới tính của mình trong hồ sơ, thậm chí mỗi năm một lần, mà không cần đưa ra lý do hoặc cung cấp bất kỳ giấy chứng nhận y tế, mệnh lệnh tư pháp hoặc bất kỳ báo cáo nào. Người chuyển giới tự nhận là phụ nữ được tự do ra vào các nơi công cộng như nhà vệ sinh nữ, phòng thay đồ nữ và nhà tắm nữ.
Theo đạo luật này, giới tính của người Đức không còn được xác định bởi các đặc điểm sinh lý mà theo sở thích cá nhân. Người Đức trưởng thành sẽ được lựa chọn 4 giới tính gồm nam, nữ, song tính và không giới tính. Ngoài ra, cá nhân cũng được tự do đổi tên để chọn một cái tên phù hợp hơn với giới tính của mình.
Người chuyển giới sẽ có thể tố cáo người tiết lộ giới tính của họ ở nơi công cộng khiến họ xấu hổ hoặc cảm thấy bị làm nhục. Những người bị tố cáo có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 10.000 euro (khoảng 275 triệu VND).
Trẻ vị thành niên từ 14 đến 18 tuổi phải được sự đồng ý của người giám hộ mới được thay đổi giới tính. Trẻ em hoặc người giám hộ trước tiên phải gửi một bản khai cho biết họ đã tìm kiếm lời khuyên từ các nhà tâm lý học hoặc cơ quan dịch vụ phúc lợi thanh thiếu niên. Nếu người giám hộ không đồng ý, tòa án có thể can thiệp vào việc ra quyết định và ưu tiên quyền lợi của trẻ. Ngoài ra, Đức cũng yêu cầu giáo dục các vấn đề liên quan đến LGBT trong các trường tiểu học và trung học.
Alice Weidel, thành viên đảng cực Hữu AfD (Lựa chọn cho nước Đức) phản đối mạnh mẽ Luật tự xác định giới tính (Ảnh: Singtao).
Việc thay đổi giới tính phải mất 3 tháng mới có hiệu lực và không thể thay đổi lại trong vòng 1 năm.
Hàng chục nghìn người đã nộp đơn xin đổi giới tính
Theo Der Spiegel, đã có khoảng 15.000 người nộp đơn xin thay đổi giới tính trước khi luật này có hiệu lực.
Theo Luật tự xác định giới tính, bất kỳ ai cũng có thể thay đổi tên hoặc giới tính hợp pháp của mình bằng một đơn đăng ký đơn giản tới cơ quan nội vụ địa phương.
Luật mới sẽ thay thế Luật Chuyển giới (Transsexuellengesetz), đã có từ đầu những năm 1980. Trước đó, theo luật này, người Đức muốn thay đổi giới tính hợp pháp phải nộp hai bản báo cáo tâm lý và chờ phán quyết của tòa án.
Dự luật này đã được một số đảng chính trị ở Đức, do Đảng Xanh đứng đầu, cùng thúc đẩy và được thông qua vào tháng 4 năm nay.
Penelope Frank, một thành viên của tổ chức môi trường Đức "Last Generation", cho biết về mặt tâm lý cô tự thấy mình là phụ nữ, nhưng lần nào bị bắt, cảnh sát và thẩm phán đều đưa cô vào nhà tù nam, điều này khiến cô cảm thấy rất khó chịu.
Bà Lisa Paus, Bộ trưởng Gia đình Đức cho biết đây là "một ngày rất đặc biệt đối với tất cả những người chuyển giới, song tính và không giới tính". Bà nói: “Bắt đầu từ nay, quyền tự quyết định giới tính của họ sẽ được tăng cường đáng kể”.
Với việc Đạo luật tự xác định giới tính có hiệu lực, Đức đã cùng với Bỉ, Tây Ban Nha, Ireland, Luxembourg và Đan Mạch trở thành những nước đã thông qua đạo luật giúp mọi người dễ dàng thay đổi giới tính hợp pháp của mình hơn.
Ông Sven Lehmann, ủy viên phụ trách vấn đề LGBTQ của Đảng Xanh, cho biết: "Đức từ nay đã gia nhập hàng ngũ (quốc gia trên) thế giới cho phép mọi người thay đổi giới tính và tên mà không gây thành bệnh lý cho họ".
Bà Nyke Slavik, một nghị sĩ chuyển giới trong Hạ viện Đức, cho biết bà "tràn đầy niềm vui vì đây thực sự là một ngày lịch sử để công nhận sự đa dạng giới tính".
Bà nói: “Đây là một dấu hiệu hy vọng vào thời điểm mà tiếng nói của những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu một lần nữa lại trỗi dậy và không may là nhiều quốc gia đang thụt lùi về quyền của người đồng tính”.
Hiệp hội Chuyển giới Đức (BVT) cũng hoan nghênh đạo luật này, gọi đây là “bước tiến quan trọng và cơ bản hướng tới công nhận người chuyển giới và người không giới tính là thành viên tự nhiên và bình đẳng của xã hội”.
Những tiếng nói phản đối
Có thông tin cho rằng dự luật này sẽ liên quan đến giấy tờ tùy thân và ảnh hưởng đến việc quản lý của chính quyền, hoạt động điều tra của cảnh sát...
Alice Weidel, thành viên đảng cực Hữu “Alternative für Deutschland, AfD”, (Sự lựa chọn vì nước Đức), từng phản đối mạnh mẽ dự luật. Bà cho rằng dự luật đã phớt lờ sự thật khoa học và vi phạm Luật cơ bản của Đức. Bản thân bà là một người đồng tính nữ công khai.
Một số cư dân mạng Đức cũng lo lắng liệu những kẻ hiếp dâm có lợi dụng "thân phận chuyển giới" của họ để ra vào phòng thay đồ nữ và những nơi khác hay không. Những phụ nữ cảm thấy bị quấy rối thậm chí không thể kêu lên vì sẽ phải đối mặt với án phạt.
Đạo luật mới này đã gây ra phản đối dữ dội từ các chính trị gia đối lập, đặc biệt là các đảng cực hữu và CDU/CSU bảo thủ. Nghị sĩ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) Dorothee Baer đã cáo buộc luật mới mà chính phủ thông qua là một “dự án ý thức hệ thái quá”.
Một số nhóm bảo vệ quyền phụ nữ cũng lo ngại rằng những đàn ông có mục đích xấu có thể lạm dụng các quy định mới và dễ dàng tiếp cận những không gian dành riêng cho phụ nữ và trẻ em gái như phòng thay đồ, phòng tắm...
Bà Reem Alsalem, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, cho biết trong một tuyên bố rằng mặc dù dự luật nhằm nâng cao quyền của cộng đồng người chuyển giới, nhưng "trên thực tế, nó có thể làm suy yếu sự an toàn, quyền riêng tư và các quyền cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt đối với những phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực nam giới”.
Bà Slavik, nghị sĩ chuyển giới, thừa nhận đó là “nỗi sợ hãi lan rộng” nhưng cho rằng điều đó là vô căn cứ.
Luật này bảo lưu quyền cho các địa điểm như phòng tắm hơi và bể bơi tự xác định quy định vào cửa của riêng họ - điều này đã bị cộng đồng người chuyển giới chỉ trích.
Nghị sĩ Slavik cho biết nhiều quốc gia đã thực thi luật tương tự và bà "chưa từng nghe nói đến việc chúng dẫn đến nhiều vụ tấn công phụ nữ hơn".
Theo một cuộc thăm dò gần đây của YouGov, số người Đức ủng hộ sự thay đổi nhiều hơn số phản đối, với khoảng 47% số người được hỏi ủng hộ Luật tự do giới tính và 37% phản đối.
(Nguồn: viettimes.vn)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này