Hàng năm, khoảng một nghìn tỷ korun sẽ thất thoát do các hoạt động kinh doanh không chính thức (Grey economy), chiếm gần 14% tổng cộng, tương đương với 1/7 GDP. Séc đứng ở vị trí thứ 11 trong số 27 quốc gia của Liên minh Châu Âu. Tình hình của quốc gia này xấu hơn một chút so với Slovakia, với tỷ lệ 13,5%.
Điều này xuất phát từ nghiên cứu của công ty tư vấn Kearney Czech Republic được trình bày trong tuần này tại Hạ viện trong một hội thảo về thanh toán kỹ thuật số và kinh tế ngầm.
'So với các quốc gia khác, chúng ta không đến nỗi tệ, tuy nhiên vẫn còn không gian để cải thiện và tiến gần hơn đến các quốc gia Tây Âu và Bắc Âu,' giám đốc chi nhánh Séc của công ty, ông Jan Šarapatka, cho biết.
Mức trung bình của Liên minh Châu Âu là 17,9%. Quốc gia có tỷ lệ thấp nhất là Áo với 7,2%, trong khi quốc gia có tỷ lệ cao nhất là Bulgaria với 33,5%. Ví dụ, tỷ lệ ở Hà Lan là 8,5%, ở Đức là 10%, ở Pháp là 14,6% và ở Ba Lan là 22,1%.
Trước năm 2019, theo ông Šarapatka, tỷ lệ kinh tế xám đã có sự giảm nhẹ, nhưng sau đó, do ảnh hưởng của đại dịch COVID và chiến tranh ở Ukraine, tỷ lệ này đã tăng lên. Những sự kiện này đã khiến một số người lại rơi vào khu vực xám. (Không đăng ký kinh doanh)
Thường các ngành nghề yêu cầu lao động nhiều, như công nghiệp chế biến hoặc xây dựng. Những người làm việc trong các ngành này nhận ít nhất một phần lương thẳng tay (không kê khai), vì vậy khoảng 10 đến 36% thuế trong khu vực này sẽ mất đi.
'Danh mục thứ hai là các ngành thương mại khác', Šarapatka giải thích. Điều này áp dụng cho các ngành như thương mại hoặc ngành khách sạn và nhà hàng. 'Tỷ lệ ở đây có thể lên đến 50%, và không chỉ là công việc không hợp pháp, mà còn là việc báo cáo thu nhập không đầy đủ,' ông nói thêm.
Danh mục thứ ba bao gồm các nghề tự do, nghệ sĩ, huấn luyện viên thể hình, bảo mẫu, thợ làm vườn, và người dọn dẹp gia đình.
Theo ông Šarapatka, thanh toán kỹ thuật số giúp đẩy lùi kinh tế xám. 'Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang ở dưới mức trung bình của Liên minh Châu Âu về thanh toán kỹ thuật số. Chúng tôi tin rằng nếu trong năm năm tới có thể tăng trưởng mỗi năm 1%, điều này sẽ đóng góp thêm 5 tỷ korun vào GDP, tương đương khoảng 2 tỷ korun thuế,' ông bổ sung.
Chính phủ đã dự định xử lý kinh tế ngầm bằng cách áp dụng hệ thống ghi nhận giao dịch điện tử (EET), một sáng kiến quan trọng của cựu thủ tướng và lãnh đạo đảng ANO, Andrej Babiš. Tuy nhiên, EET đã bị tạm dừng trong đại dịch và sau đó chính phủ của thủ tướng Petr Fiala (ODS) đã hoàn toàn bãi bỏ, với lý do doanh thu thu được từ hệ thống này quá thấp.
Tuy nhiên, Michal Skořepa từ Česká spořitelna không đồng ý, ông nhấn mạnh rằng EET lẽ ra đã được mở rộng thêm, nhưng điều này đã không xảy ra.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này