Có trên 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài gửi về nước lượng kiều hối khoảng 3,5-4 tỷ USD/năm.
Thông tin do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra vào sáng 27/12.
Theo đó, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi nhanh chóng, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng dần về số lượng và nâng cao về chất lượng, đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể. Riêng năm nay có khoảng 150.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt 120% kế hoạch.
Đáng chú ý, trong tháng 11 năm nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 12.520 lao động, gồm các thị trường: Nhật Bản 6.466 lao động, Đài Loan - Trung Quốc 4.738 lao động, Hàn Quốc 396 lao động, Trung Quốc 205 lao động, Singapore 139 lao động, Rumani 89 lao động và các thị trường khác.
"Hiện nay, có trên 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5-4 tỷ USD/năm", báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu rõ.
Trong 4 năm 2021-2024, gần 500.000 người Việt đi làm việc ở nước ngoài
Bộ này cũng cho biết, công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tăng cường và quản lý chặt chẽ. Một số địa phương đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn cho người lao động hoàn thành hợp đồng về nước hòa nhập vào thị trường lao động trong nước…
Do đó, trong năm 2025, đối với công tác xuất khẩu lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết sẽ tiếp tục duy trì các thị trường lao động ngoài nước truyền thống. Đồng thời, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam.
Mặt khác, các doanh nghiệp được hướng dẫn chủ động chuẩn bị nguồn lao động, thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo tất cả người lao động đều được giáo dục định hướng theo quy định về phong tục, tập quán, pháp luật có liên quan của nước tiếp nhận lao động.
Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường công tác đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước.
(Nguồn: Doanhnhanvn)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này