Lo ngại ông Trump mạnh tay trấn áp nhập cư và vấn nạn bạo lực ở Mexico, nhiều người từ bỏ ý định vượt biên vào Mỹ, quay về quê hương.
Mỗi ngày, Nidia Montenegro, người di cư 52 tuổi đến từ Venezuela, đều dành nhiều giờ để kiểm tra điện thoại, hy vọng nhận được lịch hẹn xin tị nạn với biên phòng Mỹ.
Sau khi tới biên giới phía bắc Mexico, bà đã đặt lịch hẹn qua ứng dụng CBP One để có thể được vào Mỹ trong thời gian chờ xem xét đơn xin tị nạn. Nhưng do số lượng người đăng ký quá đông, Montenegro lo sợ sẽ không kịp phỏng vấn với quan chức nhập cư Mỹ trước khi ông Donald Trump nhậm chức ngày 20/1/2025.
Ông Trump đã tuyên bố sẽ tiến hành đợt trục xuất người di cư bất hợp pháp lớn chưa từng có, cũng như bãi bỏ các chương trình xin tị nạn, gồm cả ứng dụng CBP One mà bà Montenegro đang dùng để đặt lịch hẹn.
Nếu ông Trump thực sự triển khai kế hoạch trấn áp nhập cư quy mô lớn, hàng nghìn người di cư như Montenegro sẽ phải đứng trước lựa chọn khó khăn: vượt biên trái phép vào Mỹ, ở lại Mexico hoặc trở về quê nhà.
Montenegro cho biết nếu không kịp đặt lịch hẹn trước ngày ông Trump nhậm chức, bà sẽ quay về Venezuela, bởi nỗi sợ hãi về tình trạng bạo lực ở Mexico lớn hơn những khó khăn mà bà phải đối mặt ở quê nhà.
"Tôi rất buồn. Nếu cứ bám trụ ở đây, chúng tôi sẽ phải thường xuyên đối mặt nguy cơ bị băng đảng bắt cóc", bà nói, dù thừa nhận rằng bản thân cũng chưa có tiền để trang trải hành trình trở về.
Hơn chục người di cư ở Mexico được Reuters phỏng vấn nói rằng họ sẽ trở về quê hương bất chấp những vấn đề từng khiến họ phải ra đi như nghèo đói, thiếu việc làm, an ninh kém và khủng hoảng chính trị. Dù con số này không thể đại diện cho xu thế chung của những người di cư sau khi ông Trump đắc cử, nó nhấn mạnh những lựa chọn khó khăn mà người di cư phải đối mặt sau ngày 20/1/2025.
Vấn nạn bạo lực ở Mexico ảnh hưởng rất nhiều tới quyết định của họ. Montenegro cho biết bà từng bị bắt cóc cùng với hai cháu trai và hàng chục người khác vào ngày đầu tiên từ Guatemala tới miền nam Mexico cách đây hai tháng. Hai ngày sau, cả nhóm may mắn trốn thoát.
Bây giờ, bà sống trong khu lều trại ở bang Chiapas, miền nam Mexico và lo sợ bị các băng đảng tội phạm trong vùng bắt cóc lần nữa.
Tội phạm có tổ chức đã thiết lập mạng lưới buôn người lớn trên khắp Mexico, khiến hành trình di cư tới biên giới Mỹ của nhiều người trở nên đầy rủi ro. Khoảng 30.000 người bị sát hại mỗi năm và hơn 100.000 người mất tích ở Mexico, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi vấn nạn bạo lực băng đảng.
Nhiều người di cư đã bị tống tiền, đánh đập, hãm hiếp, bị ép phạm tội hoặc thậm chí bị giết. Chính phủ Mexico đã nỗ lực giảm số lượng người di cư tới biên giới Mỹ bằng cách đưa những người không phải công dân nước này trở lại miền nam, khiến họ đối mặt thêm rủi ro.
Tổ chức Di cư Quốc tế nói rằng trong 7 năm qua, họ đã hỗ trợ hàng nghìn người di cư, đặc biệt là người Trung Mỹ, tự nguyện hồi hương. Tuy nhiên, tổ chức này từ chối cung cấp thêm thông tin.
"Tôi đã khóc mỗi ngày và cầu xin Chúa đưa tôi trở về. Tôi không muốn ở đây nữa. Mọi thứ thật khủng khiếp", Yuleidi Moreno, người di cư từ Venezuela, nói. Moreno sợ ở lại Mexico, cho biết cô từng là nạn nhân của bạo lực, nhưng từ chối tiết lộ thêm.
Một quan chức Venezuela am hiểu về vấn đề nhập cư cho biết mỗi tuần có khoảng 50-100 công dân nước này yêu cầu được hỗ trợ trở về quê hương hoặc tự trang trải chi phí trở về. "Có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng như bị bắt cóc, bóc lột tình dục, khiến một số người di cư mong muốn được trở về ngay lập tức", người này nói.
Bất chấp những rủi ro đó, nhiều người khác vẫn tiếp tục hành trình di cư, trả tiền cho các băng nhóm buôn người để vượt biên trái phép vào Mỹ hoặc hy vọng đặt được lịch hẹn xin tị nạn với lực lượng biên phòng.
"Tôi tin rằng tôi sẽ vào được Mỹ trước khi ông Trump nhậm chức. Ngoài chờ lịch hẹn, luôn có những cách khác", Johana, người di cư Venezuela dự định vượt biên từ Guatemala tới Mexico tuần này, nói.
Ông Trump ngày 18/11 chia sẻ lại trên mạng xã hội Truth Social bài đăng của một nhà hoạt động bảo thủ, trong đó nói rằng ông "chuẩn bị ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và sẽ sử dụng quân đội" để thực hiện kế hoạch trục xuất quy mô lớn, cùng với bình luận "đúng" thể hiện sự đồng tình.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông cũng nhiều lần chỉ trích người nhập cư không giấy tờ, cáo buộc họ làm "vấy bẩn" dòng máu Mỹ.
(Nguồn: Vnexpress/Theo Reuters, AFP)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này