Kể từ tháng 6, trong Bộ luật Lao động sẽ có nhiều thay đổi đáng chú ý. Theo chính phủ, những thay đổi nhằm làm cho thị trường lao động linh hoạt hơn cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Một số điều chỉnh khác đã được thông qua sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1 năm tới, bao gồm cả các quy định liên quan đến trợ cấp thất nghiệp. Vậy cụ thể sẽ có những thay đổi nào?
Kéo dài thời gian thử việc
Một trong những thay đổi chính là thời gian thử việc tối đa đối với nhân viên thông thường sẽ được kéo dài lên đến 4 tháng, còn đối với nhân viên quản lý thì có thể lên đến 8 tháng. Theo Bộ Lao động, việc kéo dài thời gian thử việc sẽ được thực hiện dựa trên sự thỏa thuận giữa hai bên, tuy nhiên trên thực tế, người xin việc gần như chắc chắn sẽ phải chấp nhận điều đó nếu muốn được tuyển dụng.
Làm việc theo thỏa thuận trong thời gian nghỉ thai sản
Người lao động đang trong thời gian nghỉ thai sản (hoặc nghỉ nuôi con) có thể làm cùng một công việc cho người sử dụng lao động hiện tại của mình, dựa trên hợp đồng làm việc theo thỏa thuận. (hợp đồng DPP hoặc DPČ)
Người lao động có thể trở lại làm việc sau thời gian nghỉ nuôi con (rodičovská dovolená) trước khi con tròn 2 tuổi ở đúng vị trí công việc và nơi làm việc ban đầu. Trước đây, sự bảo đảm này chỉ áp dụng đối với thời gian nghỉ thai sản (mateřská dovolená).
Thời gian nghỉ việc tính từ ngày nhận thông báo
Theo quy định mới, thời gian báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động sẽ được tính ngay từ ngày bên kia nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng. Nhờ đó, người lao động có thể nhanh chóng bắt đầu công việc mới và người sử dụng lao động sẽ có thể sớm tuyển dụng người thay thế vào vị trí còn trống.
Thời gian báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động có thể được rút ngắn xuống còn 1 tháng thay vì 2 tháng như hiện nay, trong trường hợp người lao động vi phạm kỷ luật lao động hoặc không đáp ứng các điều kiện pháp lý hay yêu cầu của người sử dụng lao động đối với công việc được giao.
Trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng vì lý do sức khỏe
Người lao động chấm dứt quan hệ lao động do không đủ khả năng làm việc lâu dài vì lý do sức khỏe – ví dụ như sau tai nạn lao động hoặc do bệnh nghề nghiệp – sẽ được nhận một khoản trợ cấp đặc biệt. Khoản trợ cấp này sẽ được chi trả từ bảo hiểm bắt buộc của người sử dụng lao động và có giá trị tương đương 12 lần mức lương trung bình hàng tháng của người lao động đó.
Thời gian nghỉ dài hơn trong một số trường hợp đặc biệt
Khi chấm dứt hợp đồng lao động theo thủ tục thông thường, người lao động, kể cả những người làm việc theo hợp đồng thỏa thuận, sẽ có quyền nghỉ hưởng lương 4 ngày. Trong trường hợp bị sa thải do không hoàn thành nghĩa vụ công việc, họ sẽ chỉ được nghỉ tối đa 2 ngày không lương.
Theo luật mới, người lao động sẽ được phép nghỉ không lương tối đa 5 ngày khi có người thân qua đời, bao gồm: vợ/chồng, bạn đời, con ruột, cháu, cha mẹ, ông bà hoặc anh/chị/em ruột.
Nếu kết hôn, người lao động sẽ được nghỉ 2 ngày, trong đó 1 ngày diễn ra lễ cưới sẽ được hưởng lương. Ngoài ra, người lao động cũng sẽ được nghỉ một ngày hưởng lương nếu tham dự lễ cưới của con cháu mình.
Bỏ khám sức khỏe đầu vào
Người lao động làm việc trong các ngành nghề không thuộc nhóm có rủi ro sẽ không còn bắt buộc phải trải qua khám sức khỏe đầu vào khi nhận việc.
Tăng mức trợ cấp thất nghiệp
Từ tháng 1 năm sau, trợ cấp thất nghiệp sẽ được tăng lên. Trong những tháng đầu nhận trợ cấp, mức hỗ trợ sẽ tăng từ 65% lên 80% mức lương sạch trung bình trước đó. Trong những tháng cuối của thời gian hưởng trợ cấp, mức này sẽ giảm từ hiện tại 45% xuống còn 40% thu nhập trước đó.
Người lao động từ 52 tuổi trở lên sẽ được hưởng trợ cấp trong thời gian dài hơn, hiện nay là từ 50 tuổi. Mức trợ cấp sẽ được giữ nguyên cho cả trường hợp bị sa thải lẫn tự nguyện nghỉ việc để chuyển sang công việc mới. Trong trường hợp tham gia đào tạo lại (tái đào tạo nghề), mức trợ cấp sẽ cao hơn, lên tới 80% thu nhập sạch trước đó.
Mức trợ cấp tối đa mà người thất nghiệp có thể nhận cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, các quy định để được nhận lại trợ cấp cũng sẽ chặt chẽ hơn — người lao động sẽ phải làm việc và đóng bảo hiểm ít nhất 9 tháng, thay vì 6 tháng như hiện tại, mới đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp trở lại.
Trả lương bằng ngoại tệ
Người lao động có mối liên hệ cá nhân với nước ngoài sẽ được phép nhận lương bằng ngoại tệ, tuy nhiên chỉ áp dụng với những loại tiền tệ mà Ngân hàng Quốc gia Séc công bố tỷ giá hối đoái cho ngày làm việc tiếp theo.
Tiền lương hoặc tiền công sẽ được chi trả qua tài khoản ngân hàng của người lao động. Nếu người lao động có ý kiến không đồng ý bằng văn bản, không có tài khoản ngân hàng hoặc không cung cấp số tài khoản, thì tiền lương sẽ được chi trả bằng tiền mặt.
Được đi làm thêm từ 14 tuổi
Luật sửa đổi cho phép người từ 14 tuổi được đi làm thêm trong kỳ nghỉ hè, với điều kiện có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ. Công việc phải là công việc nhẹ, thời gian làm việc không vượt quá 7 giờ mỗi ngày và tổng thời gian làm việc trong tuần không vượt quá 35 giờ.
Nguồn: Novinky
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này