Núi lửa phun trào, Indonesia phát cảnh báo
Tin nổi bật, Tin thế giới, Tin tức
author11/03/2023 17:07

Núi lửa Merapi phun cột tro bụi cao khoảng 3 km, bao phủ nhiều nhà cửa và đường sá trên đảo Java của Indonesia.

Núi lửa Merapi cao gần 3.000 m, nằm gần thủ phủ văn hóa Yogyakarta trên đảo Java của Indonesia, phun trào giữa trưa nay. Giới chức Indonesia đã đặt báo động cam, mức cao thứ hai trong thang báo động núi lửa 4 cấp, với ngọn núi này.

Núi lửa Merapi trên đảo Java, Indonesia phun trào ngày 11/3. Ảnh: Reuters.

Đài quan sát Núi lửa Merapi ước tính cột tro bụi cao khoảng 3 km, trong khi dòng dung nham kéo dài khoảng 1,5 km dọc theo sườn núi.

Giới chức địa phương đã phong tỏa khu vực có bán kính 7 km tính từ miệng núi lửa. “Người dân nên ngừng mọi hoạt động trong khu vực nguy hiểm để phòng ngừa nguy cơ từ vụ phun trào lửa Merapi”, Abdil Muhari, người phát ngôn cơ quan ứng phó thiên tai và thảm họa Indonesia, cho biết.

Hình ảnh trên truyền thông cho thấy tro bụi bao phủ nhiều nhà cửa và đường sá tại một ngôi làng gần núi lửa. Cơ quan ứng phó thiên tai và thảm họa Indonesia chưa ghi nhận trường hợp thương vong nào sau vụ phun trào.

Yulianto, một quan chức địa phương, cho biết người dân sinh sống gần núi lửa chưa sơ tán. “Đây là lần phun trào đơn lẻ, dù đã có khoảng 5-6 vụ sạt lở. Nếu núi lửa tiếp tục hoạt động mạnh và vùng ảnh hưởng mở rộng hơn 7 km, chúng tôi có thể khuyến cáo cư dân di dời”, ông nói.

Ông Muhari cảnh báo người dân sống trong vùng lân cận có thể chịu một số xáo trộn trong cuộc sống thường nhật vì tro bụi núi lửa và lũ bùn hình thành khi trời mưa. Ít nhất 8 làng nằm gần ngọn núi đã bị ảnh hưởng bởi tro bụi.

Merapi là một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất tại Indonesia. Lần phun trào năm 2010 của ngọn núi đã khiến hơn 300 người chết và hơn 280.000 người phải sơ tán. Lần phun trào mạnh nhất của Merapi được ghi nhận năm 1930, khiến khoảng 1.300 người chết.

Indonesia thường xuyên trải qua các trận động đất và phun trào núi lửa do nằm trên “Vành đai lửa”, vòng cung hoạt động địa chấn dữ dội, nơi các mảng kiến tạo va chạm kéo dài từ Nhật Bản qua Đông Nam Á và lưu vực Thái Bình Dương.

(Nguồn: Vnexpress)

Chia sẻ:
Có thể bạn cũng thích
Tin nổi bật
® 2020-2024 TAMDA MEDIA z.s. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này
pencil