Đội ngũ của ông Donald Trump đã chuẩn bị các sắc lệnh và tuyên bố hành pháp để rút khỏi Hiệp định mà Trump từng nói là "bóc lột Mỹ".
Mỹ gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2015 dưới thời Tổng thống Barack Obama. Hiệp định yêu cầu các quốc gia giảm phát thải khí nhà kính để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, vào năm 2017, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định, cho rằng nó không có lợi cho kinh tế Mỹ. Quá trình rút khỏi chính thức hoàn tất vào ngày 4/11/2020. Sau đó, vào 20/1/2021, Tổng thống Joe Biden quyết định tái gia nhập Hiệp định ngay sau khi nhậm chức.
Việc đội ngũ chuyển tiếp của Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị cho việc rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris lần nữa được xem là điều không bất ngờ vì ông đã tuyên bố trước trong chiến dịch tranh cử. Vào tháng 6, trong cuộc tranh luận với ông Biden, Trump cho rằng Hiệp định này "bóc lột Mỹ", là "thảm họa".
Mandy Gunasekara, Chánh văn phòng Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) thời chính quyền Trump nhiệm kỳ đầu cho rằng Hiệp định Paris là thỏa thuận bất lợi cho Mỹ, "hầu như không làm giảm phát thải một cách đáng kể" và "được sử dụng để biện minh cho các quy định khắt khe khiến năng lượng trở nên đắt đỏ hơn".
Bà Mandy cũng là tác giả các quy định về năng lượng và môi trường của Dự án 2025, một bản tuyên ngôn chi tiết về các hành động mà Tổ chức cố vấn bảo thủ Heritage Foundation kỳ vọng tổng thống tiếp theo của đảng Cộng hòa sẽ thực hiện.
Theo quy trình, ông Trump không thể ngay lập tức rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris. Các quốc gia cần phải thông báo cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và chờ một năm để chính thức rút lui. Đó là lý do khi ông thông báo rút Mỹ vào năm 2019 thì phải đến 2020, Mỹ mới chính thức rời khỏi.
Ngoài kế hoạch rút khỏi Hiệp định Paris, chính quyền mới của ông Trump cũng dự kiến thu hẹp một số khu bảo tồn quốc gia để mở rộng hoạt động khai thác khoáng sản, chấm dứt quyền miễn trừ đang cho phép California và các bang khác được áp dụng tiêu chuẩn ô nhiễm khắt khe hơn.
Việc cấp phép xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Á và châu Âu có thể được nối lại. Trước đó, hồi tháng 1, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tạm dừng phê duyệt giấy phép mới cho xuất khẩu LNG để thực hiện nghiên cứu về tác động môi trường và kinh tế của hoạt động này.
Một số thành viên trong đội ngũ chuyển giao của ông Trump cũng đang thảo luận việc di chuyển trụ sở Cơ quan Bảo vệ Môi trường ra khỏi Washington. Karoline Leavitt, người phát ngôn của đội ngũ chuyển giao của Trump, tuyên bố rằng kết quả bầu cử đã trao cho ông "quyền triển khai những cam kết đã đưa ra".
Theo: VnExpress
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này