Nhằm xoa dịu nỗi cô đơn, quán cà phê Nhật Bản đã cho ra mắt dịch vụ nơi khách hàng có thể trả tiền để trò chuyện, ôm người lạ hoặc thậm chí ngủ bên cạnh họ.
Báo South China Morning Post ngày 12-1 cho biết để đáp ứng nhu cầu của khách hàng muốn xoa dịu nỗi cô đơn, quán cà phê Soineya ở Tokyo, Nhật Bản đã cho ra mắt mô hình cà phê độc đáo khi khách hàng có thể trả tiền để trò chuyện hoặc ôm người lạ.
Theo đó, một giấc ngủ ngắn 20 phút tại quán có giá 3.000 yen (19 USD), trong khi phiên ngủ qua đêm kéo dài 10 giờ có giá 50.000 yen (320 USD).
Với 1.000 yen (6 USD), khách hàng có thể tựa đầu vào đùi nhân viên hoặc ôm họ trong 3 phút. Số tiền này cũng có thể được dùng để nhìn sâu vào mắt nhân viên trong 1 phút hoặc được vỗ vai an ủi.
Theo quán cà phê, dịch vụ này sẽ giúp khách hàng có những trải nghiệm "được ngủ cùng ai đó một cách đơn giản và nhẹ nhàng".
Quán cũng đưa ra những quy tắc nghiêm ngặt để bảo vệ nhân viên nữ, bao gồm cấm chạm vào tóc nhân viên hoặc có những hành vi vượt quá giới hạn.
Chị Fuki, một nữ nhân viên tại quán, chia sẻ rằng rất nhiều khách hàng của quán cảm thấy khó khăn để mở lòng với bạn bè của họ hoặc đồng nghiệp.
"Khi tôi nói chuyện trực tiếp với một cô gái nào đó, tôi không biết liệu họ thực sự đang nghĩ gì. Ngay cả khi họ đang mỉm cười ngọt ngào với tôi, họ vẫn có thể nói dối hoặc chỉ trích sau lưng tôi", anh Inoue, khách hàng sử dụng dịch vụ, cho biết.
Mô hình mới lạ này của quán đã thu hút nhiều sự chú ý trên mạng xã hội cùng những phản ứng trái chiều.
Theo những người ủng hộ dịch vụ này, sau một ngày dài mệt mỏi, tất cả những gì họ có ở nhà chỉ là chiếc giường lạnh và thức ăn thừa. Vì vậy, không gì tuyệt hơn một chút sự quan tâm cùng một cái ôm ấm áp.
"Nhìn trực tiếp hoặc được ôm một cô gái ngọt ngào có thể không giải quyết được mọi vấn đề của cuộc sống, nhưng điều này giúp chúng ta giảm bớt cảm giác cô đơn và cho ta động lực để đối diện khó khăn", một người dùng để lại bình luận ủng hộ.
Tuy nhiên, những người phản đối mô hình này lại cho rằng việc tiếp xúc cơ thể với người lạ sẽ khiến nhiều người cảm thấy không thoải mái, cảnh báo việc dựa dẫm vào những dịch vụ như này trong thời gian dài có thể "cản trở các mối quan hệ thực tế" và làm trầm trọng thêm tình trạng cô lập xã hội.
Những năm gần đây, Nhật Bản chứng kiến sự bùng nổ các mô hình kinh doanh độc đáo hỗ trợ cảm xúc và tinh thần của khách hàng.
Cuối năm 2023, nhà hàng Shachihoko-ya ở Nagoya gây chú ý với dịch vụ "tát mặt", nơi nhân viên mặc kimono tát khách hàng với giá 300 yen (2 USD).
Trong khi đó, quán Mori Ouchi ở Tokyo với thiết kế rừng cây thiên nhiên chỉ phục vụ những người bi quan, tiêu cực, tạo không gian kết nối và trò chuyện an toàn.
Theo: Tuổi trẻ
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này