Trong năm năm tới đây, tất cả các loại đồ, thực phẩm đóng gói cho dùng một lần, ví dụ gói sốt cà chua... sẽ bị cấm ở tất cả các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Quy định này cũng áp dụng cho các túi nilon mỏng và khối lượng không khí trong các bao bì vận chuyển cũng sẽ được giảm bớt.
Vào cuối năm ngoái, các quốc gia thành viên EU đã thống nhất về quy định giảm thiểu chất thải bao bì, đồng thời hỗ trợ việc tái sử dụng và tái chế nhựa. Đến năm 2030 sẽ ngừng việc sản xuất bao bì dùng một lần cho các sản phẩm như gói nước sốt cà chua, đường hay mật ong… Các bao bì nhựa dùng một lần cho trái cây và rau quả tươi đóng gói dưới 1,5 kilogram cũng sẽ bị cấm, và chúng sẽ bắt đầu biến mất khỏi thị trường trong khoảng hai năm tới.
Phát ngôn viên của Bộ Môi trường cho biết, mục tiêu chính là giảm lượng chất thải bao bì xuống 15% vào cuối năm 2040. Điều này cũng có nghĩa là giảm khối lượng vật liệu bao bì. Đối với việc vận chuyển các vật phẩm nhỏ, sẽ không sử dụng bao bì với hai lớp vỏ, đáy giả hoặc bao bì quá lớn, tức là hàng hóa từ các cửa hàng trực tuyến sẽ không được giao trong nhiều lớp bao bì, với kích thước lớn hơn so với sản phẩm bên trong.
Trong quy định cũng yêu cầu các quốc gia phải thu gom ít nhất 90% chai PET và lon nhôm từ năm 2029. Các quốc gia thành viên có thể đạt được con số này thông qua việc áp dụng hệ thống thu gom bắt buộc. Những quốc gia không muốn triển khai hệ thống này phải chứng minh rằng họ đã đạt được mục tiêu thu gom 80% vào năm 2026.
Theo phát ngôn viên Bộ Môi trường, Séc chưa đạt được mục tiêu này và đồng thời đang tính đến việc áp dụng hệ thống thu gom bắt buộc, sẽ được triển khai đầy đủ từ đầu năm 2027. Tiền cọc cho mỗi sản phẩm là 4 korun.
Tuy nhiên, những quy định này đang phải đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía một số nhà sản xuất bao bì nhựa châu Âu. Một trong số những lập luận được đưa ra là mục đích của bao bì nhỏ là tiêu thụ ít hơn, do đó việc cấm bao bì sử dụng một lần sẽ dẫn đến lãng phí thực phẩm.
Mỗi người Séc thải ra trung bình 26 kg rác thải bao bì nhựa vào năm 2022. Mức trung bình của toàn Liên minh châu Âu lên tới 36 kg.
Nguồn: Novinky
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này