Hiện nay xuất hiện một hình thức lừa đảo mới, lần này nhắm vào các tài xế xe điện, đặc biệt là những người đang gặp khó khăn hoặc chưa quen với hệ thống của trạm sạc. Xu hướng này đã bắt đầu xuất hiện tại Séc.

Phần lớn các trạm sạc hiện nay đều đã hỗ trợ thanh toán trực tiếp, nghĩa là bạn không cần đăng ký, không cần thẻ chip hay bất kỳ cam kết nào với nhà vận hành trạm sạc, chỉ cần sử dụng thẻ thanh toán thông thường.
Tuy nhiên, không phải trạm nào cũng có máy POS riêng, nên ở nhiều nơi, bạn sẽ thấy một mã QR. Sau khi quét mã này, bạn sẽ được chuyển đến cổng thanh toán, tại đây bạn chọn dịch vụ mong muốn (theo thời gian sạc hoặc số kWh tiêu thụ – thường mức giá này không ưu đãi bằng khách hàng đã đăng ký), nhập thông tin thẻ, thanh toán và bắt đầu sạc.
Tuy nhiên, thanh toán trực tiếp thường chỉ được các tài xế xe điện sử dụng trong trường hợp khẩn cấp (cần sạc gấp) hoặc khi đi nước ngoài mà không có tài khoản với nhà vận hành địa phương.
Những kẽ hở trong hình thức thanh toán QR này đã bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng: họ dán đè mã QR giả lên mã QR thật, dẫn bạn đến một trang web giả mạo trang chính thức. Tại đây, bạn chọn dịch vụ, thanh toán bằng thẻ, nhưng quá trình sạc không được kích hoạt và bạn bị mất tiền.
Làm sao để phòng tránh?
Nếu buộc phải sử dụng thanh toán trực tiếp qua mã QR, hãy kiểm tra kỹ thanh địa chỉ trên trình duyệt xem có đáng tin cậy không. Ví dụ, địa chỉ payment.ionity.eu là hợp lệ, nhưng nếu là ionity-eu-payment.eu thì nên cảnh giác. Đồng thời, hãy kiểm tra kỹ giao diện trang thanh toán.
Bên trái là giao diện web thanh toán trực tiếp của Ionity. Ở giữa là ứng dụng sạc xe của Tesla (khuyến nghị dùng tại châu Âu), bên phải là ứng dụng của ČEZ, cho thấy bạn cũng có thể khởi động bộ sạc Ionity bằng ứng dụng này (dùng hình thức roaming).
Một số nhà vận hành trạm sạc tại Séc như ČEZ hoặc PRE đã ký thỏa thuận với các nhà vận hành trong và ngoài nước, cho phép bạn sử dụng ứng dụng hoặc thẻ chip chính thức (cả hai đều có thể lấy miễn phí) để kích hoạt sạc, dù mức giá roaming thường không ưu đãi bằng.
Tuy nhiên, cách an toàn nhất vẫn là sử dụng thẻ chip hoặc ứng dụng chính thức của nhà vận hành trạm sạc. Khi đi nước ngoài, bạn cần chuẩn bị trước, tải ứng dụng và đăng ký tài khoản. Rõ ràng, việc này khác với việc chỉ cần đến trạm xăng và đổ nhiên liệu như truyền thống.
Theo nhà phân phối ô tô Havex Auto tại Séc – đơn vị đã cảnh báo về hình thức lừa đảo này trên Facebook – thủ đoạn này đã xuất hiện tại Séc, Đức và Thụy Sĩ. Không loại trừ khả năng nó sẽ lan rộng hơn nữa, không chỉ giới hạn ở các trạm sạc điện. Trong quá khứ, các đối tượng lừa đảo cũng từng dán mã QR giả lên các máy bán vé đỗ xe tự động.
Nguồn TN Nova
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này