Trong khi một số quốc gia châu Âu sẵn sàng cử quân đội tới Ukraine để giám sát việc tuân thủ thỏa thuận hòa bình trong trường hợp đạt được, Cộng hòa Séc vẫn tỏ ra thận trọng trong việc gửi binh sĩ tới Ukraine. Phe đối lập phản đối bất kỳ sự tham gia nào của lực lượng vũ trang Séc.
Trong trường hợp đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine, lực lượng quân sự từ các quốc gia châu Âu có thể sẽ cần thiết để đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, liệu binh sĩ Séc có tham gia hay không vẫn còn chưa rõ ràng.
Bộ trưởng Quốc phòng Séc Jana Černochová cho biết, nếu đạt được thỏa thuận ngừng bắn, phương Tây sẽ phải cung cấp cho Ukraine những đảm bảo an ninh thực sự và đáng tin cậy để ngăn chặn Nga tiếp tục gây hấn. Tuy nhiên, vào thời điểm này, nói về hình thức và quy mô tham gia của Séc là quá sớm. Điều đó sẽ phụ thuộc vào các điều kiện cụ thể của thỏa thuận cũng như mức độ tham gia của các đồng minh.
Trong khi đó phe đối lập đã có quan điểm rõ ràng về vấn đề này. Trong tình hình hỗn loạn hiện tại, họ phản đối việc triển khai binh sĩ quân đội Séc. Lãnh đạo phong trào đối lập SPD, Tomio Okamura phản đối việc Séc tham gia vào bất kỳ sứ mệnh nào liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Ông cho rằng, Séc không nên để mình bị kéo vào xung đột với Nga và Ukraine. Đây là những quốc gia ngoài Liên minh Châu Âu và không phải là thành viên NATO.
Ukraine mong muốn có 200.000 binh sĩ châu Âu giám sát an ninh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các quốc gia châu Âu khó có thể tập hợp đủ số quân này. Hơn nữa, ngay cả khi một sứ mệnh hòa bình như vậy được triển khai, cũng không chắc nó sẽ ngăn cản Nga tiến hành các cuộc tấn công tiếp theo.
Nếu Cộng hòa Séc tham gia vào sứ mệnh hòa bình, các chuyên gia cho rằng số lượng binh sĩ Séc gửi đến Ukraine cũng sẽ chỉ dao động ở mức vài trăm người.
Nguồn: TN Nova
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này