Sắp tới đây các bác sĩ có thể sớm chẩn đoán ra ung thư tuyến tụy từ mẫu máu. Hiện nay tại Séc đang ghi nhận tới 95% bệnh nhân ung thư tuyến tụy tử vong, nguyên nhân chỉ là vì bệnh đã không được phát hiện kịp thời.
Vào năm ngoái một nam ca sĩ nổi tiếng gốc Slovakia đã tử vong vì mắc ung thư tuyến tụy, chỉ 14 ngày sau khi được chẩn đoán bệnh. Người thân của bệnh nhân cho biết, khi phát hiện ra ông mắc ung thư thì đã quá muộn, căn bệnh đã di căn và ông đã không còn cơ hội cứu chữa.
Một khối u ác tính có thể phát triển mà không bị phát hiện trong cơ thể bệnh nhân trong 10 năm. Khi các triệu chứng như sụt cân, vàng da trở nên rõ ràng thì thường đã quá muộn để điều trị. Theo viện trưởng khoa gan-dạ dày-ruột của IKEM Tomáš Hucl giải thích thì cách duy nhất để chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân là phẫu thuật. Tuy nhiên khi các khối u đã di căn sang các bộ phận nội tạng khác, việc phẫu thuật mặc dù có thể thực hiện nhưng hầu như sẽ không còn tác dụng nhiều đối với người bệnh.
Các nhà khoa học Séc đã mang đến cho các bệnh nhân ung thư hy vọng mới, nhờ vào một phương pháp chẩn đoán thông qua máu. Nhờ vào xét nghiệm máu mà bệnh ung thư tuyến tụy có thể được phát hiện khi nó đang ở ngay giai đoạn đầu, tức là người bệnh có thể phẫu thuật thành công.
Trung bình một người mắc ung thư giai đoạn nặng có thể sống được khoảng 1 năm rưỡi, tuy nhiên nếu được phát hiện sớm thì người bệnh sẽ có thể sống dài thêm đến 6 năm.
Hiện phương pháp chẩn đoán ung thư mới này cần phải trải qua nghiên cứu lâm sàng. Quá trình nghiên cứu lâm sàng sẽ kéo dài trong khoảng 3 năm nữa, sau đó phương pháp này sẽ chính thức đưa vào thực nghiệm.
Nguồn: TN Nova
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này