Bà Harris sẽ trải qua buổi tối ngày bầu cử 5-11 tại Đại học Howard, khiến các sinh viên phải học từ xa. Đây không chỉ là lựa chọn ngẫu nhiên mà mang ý nghĩa đặc biệt đối với bà phó tổng thống.
Theo Đài BFMTV, khoảng 20.000 người được mời tham gia cùng bà Harris tại Đại học Howard vào tối ngày bầu cử 5-11. Những màn hình và khán đài khổng lồ đã được lắp đặt bên trong trường.
Khuôn viên trường đã được chiến dịch của bà Harris đặt chỗ cho đến tận ngày 8-11, trong trường hợp việc kiểm đếm phiếu mất nhiều thời gian. Trong suốt quãng thời gian này, sinh viên trường sẽ phải học từ xa.
Nơi tất cả bắt đầu
Theo báo Ouest-France, Đại học Howard ở Washington là một ngôi trường nổi tiếng dành cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi và còn được mệnh danh là "Harvard của người da màu".
Bà Harris từng theo học trường này cách đây hơn 40 năm. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1986, bà vẫn thường xuyên quay lại nơi này.
Bà Harris từng chia sẻ rằng Đại học Howard là một phần quan trọng trong cuộc đời bà, nơi bà khởi đầu hành trình phấn đấu vì công bằng xã hội.
"Đây là nơi mà tất cả bắt đầu", bà Harris nói vào năm 2019, khi đang tranh cử vị trí ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ cho kỳ bầu cử năm 2020.
Lịch sử lâu đời sau cuộc Nội chiến
Đại học Howard được thành lập vào năm 1867, ngay sau khi cuộc Nội chiến Mỹ kết thúc và chế độ nô lệ bị xóa bỏ.
Ngôi trường do Quốc hội Mỹ sáng lập và lấy tên từ tướng Oliver Howard, một nhà lãnh đạo của lực lượng phía Bắc có nhiều đóng góp trong việc thiết lập các cơ sở giáo dục cho những người từng là nô lệ.
Từ khi thành lập, Howard nhanh chóng trở thành biểu tượng và ngôi trường hàng đầu trong số hơn 100 trường đại học và cao đẳng dành cho người da màu, thu hút đa số sinh viên là người Mỹ gốc Phi và các nhóm thiểu số khác.
Khuôn viên trường rộng lớn, nổi bật với bãi cỏ trung tâm và những tòa nhà gạch đỏ cùng cột trắng theo phong cách truyền thống của các trường đại học Mỹ.
Chính tại đây, vào tháng 8 vừa qua, bà Harris đã quay trở lại để luyện tập cho buổi tranh luận với đối thủ Donald Trump và động viên sinh viên rằng một ngày nào đó, họ cũng có thể tranh cử vào vị trí tổng thống.
Những tấm gương sáng
Đại học Howard không chỉ là nơi bà Harris học tập, mà còn là nơi đã đào tạo nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng trong lịch sử Mỹ.
Các cựu sinh viên nổi bật của trường gồm nhà văn đoạt giải Nobel Văn học Toni Morrison và Thurgood Marshall - luật sư lừng danh của phong trào dân quyền thập niên 1950, người sau này trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên được bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao Mỹ.
Chính vì tấm gương của thẩm phán Marshall mà bà Harris đã quyết định học tại đây từ năm 1982, để theo đuổi ước mơ trở thành luật sư và đóng góp cho cộng đồng.
Thời còn là sinh viên, bà không chỉ tham gia câu lạc bộ tranh biện mà còn rất tích cực trong các phong trào đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc apartheid tại Nam Phi.
Hậu thuẫn từ cộng đồng nữ sinh
Bà Harris cũng gia nhập Alpha Kappa Alpha, một hội nữ sinh có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng người da màu tại Mỹ.
Được thành lập năm 1908 tại Howard, Alpha Kappa Alpha quy tụ hàng chục nghìn phụ nữ Mỹ gốc Phi trên khắp đất nước, trở thành mạng lưới ủng hộ đắc lực cho bà Harris trong các chiến dịch tranh cử.
Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ và việc kiểm phiếu không gặp trở ngại, chính tại Howard bà Harris sẽ biết được vận mệnh của mình: hoặc trở thành người phụ nữ đầu tiên đắc cử vào Nhà Trắng, hoặc chấp nhận thất bại trước Donald Trump, người sẽ theo dõi kết quả tại Palm Beach, Florida.
(Nguồn: Tuoitre
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này