Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết đang cân nhắc áp dụng hàng loạt biện pháp cứng rắn với Ukraine nếu Kiev không giải quyết ổn thỏa vấn đề vận chuyển khí đốt Nga.
Theo đó, Thủ tướng Slovakia cảnh báo Ukraine rằng nước này sẽ áp dụng nhiều biện pháp nhằm trả đũa vì không gia hạn thỏa thuận để Nga trung chuyển khí đốt qua Ukraine tới Slovakia.
Trong đó, Slovakia sẽ có thể dừng hoạt động viện trợ nhân đạo, dừng hoặc giảm hỗ trợ cho người tị nạn Ukraine. Ngoài ra, nước này có thể dừng cung cấp điện khẩn cấp cho Ukraine. Đặc biệt, Slovakia cảnh báo có thể sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Liên minh châu Âu (EU) về các vấn đề liên quan đến Ukraine.
Trước đó, ngày 2/1, Thủ tưởng Slovakia cũng đã đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ tới Ukraine liên quan vấn đề khí đốt khi nói: “Chúng tôi sẵn sàng thảo luận và đồng ý trong liên minh về việc ngừng cung cấp điện và giảm đáng kể hỗ trợ cho công dân Ukraine trên lãnh thổ Slovakia”.
Ngoài ra, Thủ tướng Slovakia nhấn mạnh ông đã rất kỳ vọng vòng đàm phán ngày 7/1 tại Brussels (Bỉ) của EU sẽ giúp gỡ nút thắt cho vấn đề khí đốt của nước này. Ông cho biết: "Tuần tới, một phái đoàn chính phủ sẽ tham gia đàm phán tại Brussels, nơi các chính trị gia Ukraine đã phàn nàn về việc chúng tôi sẵn sàng thực hiện các biện pháp trả đũa như ngừng cung cấp điện cho Ukraine. Sau khi phái đoàn trở về, liên minh các đảng, sau đó là chính phủ sẽ triệu tập. Chúng tôi sẽ thảo luận về các biện pháp để đáp trả thỏa đáng hành động của Kiev".
Tuy nhiên đến ngày 6/1, ông Robert Fico đã phải thừa nhận vòng tham vấn mới của EU về khí đốt, dự kiến vào ngày 7/1, đã bị gián đoạn vì phái đoàn Ukraine không xuất hiện. Điều này, gần như đã làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa Ukraine và Slovakia trong thời gian gần đây. Trước đây, Slovakia đã hỗ trợ Kiev dưới hình thức cung cấp dự trữ cần thiết để ổn định hệ thống năng lượng của Ukraine trong điều kiện xung đột.
Thỏa thuận giữa Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraine ký kết năm 2019 đã hết hạn từ hôm 31/12/2024. Điều này cũng đồng nghĩa với việc từ ngày 1/1/2025, dòng khí đốt của Nga sẽ không thể chảy sang Slovakia từ tuyến qua Ukraine. Sau đó, dữ liệu từ các nhà khai thác vận chuyển khí đốt châu Âu xác nhận rằng nguồn cung cấp cho Áo, Italy, Moldova, Slovakia và Séc đã bị dừng theo tuyến này. Năm 2024, Gazprom đã cung cấp khoảng 15 tỷ m3 qua đường ống ở Ukraine, chiếm 4,5% tổng lượng tiêu thụ của EU.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ khả năng gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga cho châu Âu.
Với động thái trên của Ukraine, Slovakia là quốc gia chịu nhiều tổn thất nhất khi không tiếp tục nhận được nguồn khí đốt từ Nga để phục vụ nhu cầu trong nước cũng như trung chuyển sang quốc gia khác của châu Âu. Bộ Kinh tế Slovakia thể hiện sự quan ngại về quyết định của Kiev, chỉ ra rằng động thái như vậy sẽ có tác động tiêu cực không chỉ đối với Slovakia mà còn đối với toàn bộ châu Âu. Việc từ chối vận chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ làm tăng chi phí cung cấp từ các nguồn thay thế, gây căng thẳng cho nền kinh tế khu vực.
Slovakia là một trong những khách hàng mua và vận chuyển khí đốt lớn nhất của Nga sang châu Âu, và việc kết thúc quá trình trung chuyển qua Ukraine khiến nước này rơi vào tình thế dễ bị tổn thương. Các tuyến cung cấp thay thế, chẳng hạn như đường ống qua Thổ Nhĩ Kỳ và Đức, sẽ làm tăng chi phí khí đốt, điều này có thể dẫn đến giá cao hơn cho người tiêu dùng và giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Các chuyên gia ước tính châu Âu có thể thiệt hại lên tới 120 tỷ euro trong 2 năm tới do việc ngừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine. Đối với Slovakia, điều này có nghĩa là cần phải xem lại chiến lược năng lượng của mình và tìm giải pháp mới để đảm bảo nguồn cung.
Slovakia trước đây nhiều lần tuyên bố rằng muốn duy trì khả năng vận chuyển khí đốt xa hơn về phía Tây qua lãnh thổ của mình, vì điều này giúp Slovakia có thể thu về khoảng 500 triệu euro mỗi năm từ phí trung chuyển.
Nguồn: TTXVN
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này