Quân đội Thái Lan và Campuchia đã đụng độ trên vùng biên giới, có báo cáo về thương vong của dân thường và quân lính. Phía Thái Lan đã cho chiến đấu cơ F-16 xuất kích. Tính đến nay đã có tổng cộng 9 người chết, 14 người bị thương, theo quân đội hoàng gia Thái Lan.
Thủ tướng Campuchia yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ can thiệp
Trên trang Facebook cá nhân, Thủ tướng Campuchia Hun Manet công bố lá thư gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đề nghị can thiệp vụ đụng độ với Thái Lan.
Bức thư gửi ông Asim Iftikhar Ahmad, Quyền Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và yêu cầu "Hội đồng Bảo an khẩn trương can thiệp để chấm dứt hành vi xâm lược của quân đội Thái Lan đối với lãnh thổ có chủ quyền của Campuchia."
Trong bức thư, ông Hun Manet cho biêt quân đội Campuchia "không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả để tự vệ nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia".
Campuchia kêu gọi Thái Lan ngay lập tức chấm dứt mọi hành động thù địch, rút quân về phía biên giới của mình và kiềm chế mọi hành động khiêu khích tiếp theo có thể làm leo thang tình hình, vẫn theo nội dung bức thư.
Cựu Thủ tướng Thaksin: “Từ giờ trở đi, quân đội Thái Lan có thể đáp trả theo kế hoạch tác chiến”

Hôm 24/4, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin viết trên X: “Hôm nay, Hun Sen đã ra lệnh tấn công Thái Lan trước, sau khi đặt bẫy bom dọc biên giới, vi phạm luật pháp quốc tế và nguyên tắc chung sống hòa bình với các nước láng giềng tốt, khiến hai binh sĩ Thái Lan bị mất chân, và một số người khác bị thương. Chúng tôi đã kiên nhẫn và kiềm chế theo luật pháp quốc tế và thực hiện nghĩa vụ của một nước láng giềng tốt. Từ giờ trở đi, quân đội Thái Lan có thể phản ứng theo kế hoạch tác chiến, và Bộ Ngoại giao có quyền đưa ra các biện pháp khác nhau.”
Campuchia nói bắn hạ F-16, Thái Lan phủ nhận

Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Hoàng gia Thái Lan đã bị lực lượng Campuchia bắn hạ lúc 10 giờ 58 sáng giữa lúc căng thẳng biên giới leo thang, Khmer Times dẫn nguồn khả tín ngày 24/7.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh hoạt động quân sự dọc biên giới Campuchia – Thái Lan gia tăng sau các cuộc đụng độ gần khu đền Ta Muen Thom.
Trong khi đó, quân đội Thái Lan cho biết các tiêm kích F-16 đã trở về an toàn và xác nhận rằng không có chiếc nào bị bắn hạ.
Không quân Thái Lan nói truyền thông Campuchia tung tin thất thiệt về việc bắn hạ F-16 của quân đội nước này.
Trong bối cảnh căng thẳng, quân đội nước này đã điều động sáu tiêm kích F-16.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet nói gì?

Trên trang Facebook của mình, ông Hun Manet cho rằng quân đội Thái Lan đã phát động cuộc tấn công vào các vị trí của quân đội Campuchia tại đền Ta Mone Thom và Krabey ở tỉnh Oddar Meanchey, đồng thời mở rộng phạm vi tấn công sang khu vực Mom Bei, trang Phnom Penh Post của Campuchia dịch lại từ bài đăng bằng tiếng Khmer của ông.Ông Manet khẳng định quốc gia mình luôn giữ vững lập trường mong muốn giải quyết các vấn đề một cách hòa bình, nhưng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả bằng vũ lực đối với "cuộc xâm lược này". "Chúng tôi kêu gọi toàn thể nhân dân Khmer hãy tin tưởng vào Chính phủ Hoàng gia và lực lượng vũ trang của chúng tôi, những người đang ở tuyến đầu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Xin hãy giữ bình tĩnh, vững vàng và tiếp tục công việc thường ngày như thường lệ,” ông viết.
Cập nhật đến 09:20, ngày 24/7.
Ít nhất 9 dân thường được xác nhận đã thiệt mạng tại Thái Lan do các vụ giao tranh, và ít nhất 14 người bị thương, trong đó có một trẻ em 5 tuổi. Campuchia hiện chưa công bố bất kỳ thông tin nào về thương vong.
Vụ bạo lực đánh dấu bước leo thang mới nhất trong một cuộc tranh chấp đã kéo dài hơn một thế kỷ, bắt nguồn từ việc phân định biên giới giữa hai nước Đông Nam Á sau khi Pháp kết thúc chế độ thuộc địa ở Campuchia.
Dù trong những năm qua đã có một số vụ đụng độ lẻ tẻ, nhưng căng thẳng mới bùng phát mạnh trở lại từ tháng Năm sau khi một binh sĩ Campuchia bị thiệt mạng trong một vụ nổ súng.
Cả hai bên đều cáo buộc phía còn lại nổ súng trước vào sáng thứ Năm.
Campuchia bị cáo buộc đã pháo kích vào một ngôi làng của Thái Lan và tấn công một bệnh viện, trong khi Thái Lan tiến hành không kích nhằm vào các mục tiêu quân sự của Campuchia.
Campuchia đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Thái Lan, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn, cáo buộc Thái Lan sử dụng vũ lực quá mức.
Thái Lan đã đóng cửa biên giới với Campuchia và yêu cầu tất cả công dân của mình tại Campuchia nhanh chóng rời khỏi nước này.
(Theo BBC news)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này