Với khí chất mạnh mẽ đã thể hiện ở nhiệm kỳ Trump 1.0, chắc chắn chính quyền Trump 2.0 sẽ là một liều thuốc mạnh cho những căn bệnh đang âm ỉ trên chính trường quốc tế.
Ông Trump, một người dày dặn kinh nghiệm chính trường và có bản lĩnh truyền thông, dường như là người duy nhất phù hợp để "đứng mũi chịu sào" trong thời điểm mà nước Mỹ đang có quá nhiều điểm nóng phải giải quyết, từ Ukraine, Triều Tiên, Trung Đông cho đến cạnh tranh với Trung Quốc.
Rốt ráo gỡ từng nút thắt
"Khí chất mạnh mẽ" của ông Trump trong bối cảnh hiện nay vô tình là liều thuốc giải cần thiết, hứa hẹn mang đến những đột phá để "gỡ những nút thắt" vốn đang chặt cứng trên chính trường quốc tế.
Theo nguồn tin từ tờ Wall Street Journal (WSJ) hôm 6-11, nhóm của ông Trump đang có ý tưởng về việc và thiết lập một khu phi quân sự kéo dài 800 dặm (1.300km) dọc theo mặt trận này, buộc Kiev phải từ bỏ theo đuổi tư cách thành viên NATO trong ít nhất 20 năm, song vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho nước này.
Nhóm của ông cũng cho biết Mỹ sẽ không gửi nhân lực đến châu Âu, mà chính người châu Âu phải giữ gìn hòa bình ở khu vực này.
Ngay sau đó, Điện Kremlin đã phản ứng thận trọng khi cho rằng Mỹ vẫn là một quốc gia thù địch và chỉ có thời gian mới có thể trả lời liệu lời hùng biện của ông Trump về việc chấm dứt chiến tranh Ukraine có thành hiện thực hay không. Tuy nhiên, đề xuất của ông Trump vẫn có những cơ sở để Tổng thống Nga Putin xem là thỏa đáng.
Điểm mấu chốt trong kế hoạch của ông Trump là việc Ukraine không gia nhập NATO và duy trì một vùng phi quân sự rộng lớn có thể phù hợp với mục tiêu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Với việc Nga hiện đang tiến sâu vào lãnh thổ của Ukraine, khu phi quân sự có khả năng là một cách "hợp thức hóa" quyền kiểm soát của Nga đối với khu vực đã chiếm đóng.
Bên cạnh Ukraine, điểm nóng Trung Đông, nhất là xung đột Israel - Iran, được dự kiến là ưu tiên chính sách lớn của Trump 2.0 sau khi ông chính thức nhậm chức tổng thống khoảng 10 tuần nữa. Trong khi ông Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có mối quan hệ tốt thì Iran lại nằm trong "danh sách đen" của tổng thống Mỹ đắc cử.
Mỹ và Iran đã ở bờ vực chiến tranh dưới thời Trump 1.0 sau khi ông ra lệnh tấn công giết chết Qassem Soleimani, một vị tướng hàng đầu của Iran. Căng thẳng đã lên cao vào thời điểm đó do quyết định của ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran và áp đặt lại các lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt trong một nỗ lực bất thành để buộc Tehran đồng ý với một thỏa thuận nghiêm ngặt hơn.
Ông Trump đã cam kết tránh các cuộc chiến tranh mới trong nhiệm kỳ thứ hai của mình và vào tháng 9 đã ra tín hiệu rằng ông sẵn sàng đàm phán với Tehran để đạt được một thỏa thuận mới nhằm đảm bảo Iran không phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng nếu ông một lần nữa theo đuổi chiến lược "gây sức ép tối đa", điều này có thể làm tăng nguy cơ xung đột.
Tập trung vào Trung Quốc
Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump hứa sẽ áp đặt mức thuế suất lên tới 60% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và có thể sẽ áp thuế 100% lên xe điện từ nước này. Động thái này tạo sức ép lớn lên Trung Quốc để giành lại các vị thế sản xuất trong nước Mỹ.
Nhà phân tích Larry Hu từ Ngân hàng Macquarie cảnh báo rằng với mức thuế cao kỷ lục này, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sụt giảm 2 điểm phần trăm, khiến tình hình càng thêm khó khăn cho Trung Quốc khi họ đang vật lộn với khủng hoảng tài sản và tiêu dùng suy yếu.
Đối với Đài Loan, trong nhiệm kỳ đầu ông Trump đã gia tăng hỗ trợ quân sự cho Đài Loan. Tuy nhiên gần đây ông đã cho rằng Đài Loan nên "trả tiền cho Mỹ để đổi lấy sự bảo vệ". Quan điểm này cho thấy thiên hướng thương mại hóa quan hệ quốc phòng của ông Trump có thể làm tăng lo ngại về việc ông sẽ giảm cam kết bảo vệ Đài Loan trước sức ép từ Bắc Kinh.
Ông Trump cũng đã có những phát biểu gây tranh cãi, như tuyên bố rằng Đài Loan "cướp mất ngành công nghiệp chip của Mỹ" - một động thái có thể nhằm gây áp lực để tái định hình quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan, đặc biệt khi Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ cần "thống nhất". Thực tế này đặt ra khả năng Đài Loan sẽ tiếp tục đóng một vai trò như một "công cụ mặc cả" trong chính sách của Mỹ với Trung Quốc, trên phương diện kiềm chế Bắc Kinh và cạnh tranh công nghệ cao.
Trong cuộc chiến công nghệ, Mỹ và Trung Quốc từ lâu đã đặt trọng tâm vào phát triển và kiểm soát các công nghệ chiến lược như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và viễn thông. Ông Trump đã tuyên bố có kế hoạch cấm các công ty Trung Quốc tham gia các lĩnh vực hạ tầng quan trọng của Mỹ và sẽ gia tăng các lệnh trừng phạt đối với các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei và SMIC.
Các chuyên gia dự báo ông Trump có thể áp dụng thêm các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt với các công nghệ sản xuất chip, áp lực này có thể cản trở sự tiến bộ công nghệ của Trung Quốc và đẩy Bắc Kinh vào thế phải tự lực sản xuất chip cao cấp. Sự trở lại của Trump do đó sẽ đi kèm với quyết tâm cao trong việc đẩy mạnh các biện pháp nhằm làm suy yếu lợi thế công nghệ của Trung Quốc, đồng thời ngăn chặn chuyển giao công nghệ giữa hai nước.
Nguy cơ suy thoái thương mại toàn cầu
Ông Trump còn đề xuất bãi bỏ trạng thái "quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn" với Trung Quốc.
Theo chuyên gia Shen Dingli, động thái này có thể gây ra suy thoái thương mại toàn cầu và kéo theo sự phản đối từ các quốc gia khác, mở ra cơ hội cho Trung Quốc tăng cường quan hệ kinh tế với châu Âu và các nước không đồng tình với chiến tranh thương mại.
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này