Nga tập kích thủ đô Ukraine với mức độ khốc liệt chưa từng thấy, dường như nhằm "ăn miếng trả miếng" và tăng áp lực với Kiev trước các cuộc đàm phán tiềm năng.
Quân đội Nga gần đây liên tục thực hiện các cuộc tập kích quy mô lớn vào Ukraine, khi các cuộc đàm phán không có nhiều tiến triển. Đêm 25/5, Nga đã tiến hành cuộc không kích dữ dội, sử dụng 298 máy bay không người lái (UAV) và 69 tên lửa, trong đó có tên lửa đạn đạo Iskander-M, nhằm vào thủ đô Kiev và nhiều thành phố khác của Ukraine.
Nhân chứng mô tả đây là "địa ngục lửa", với các vụ nổ làm rung chuyển thành phố Kiev và nhiều thành phố lân cận, ánh sáng từ vụ nổ chiếu sáng bầu trời. Giới chức Ukraine cho biết cuộc tấn công đã khiến ít nhất 12 người thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương, trong đó có 3 trẻ em ở Zhytomyr. Nhiều khu vực như Kharkov, Mykolaev, Ternopil chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, với cơ sở hạ tầng dân sự, tòa nhà dân cư và ký túc xá đại học bị phá hủy hoặc hư hại.

Một ngày sau, Bộ tư lệnh không quân Ukraine cho biết Nga đã tiến hành cuộc tập kích hiệp đồng bằng 9 tên lửa hành trình Kh-101 phóng từ oanh tạc cơ chiến lược, cùng 355 UAV tự sát Geran-2 và phi cơ mồi nhử.
Reuters dẫn lời phát ngôn viên không quân Ukraine cho biết đây là cuộc tập kích có số lượng UAV nhiều nhất nhằm vào nước này từ trước đến nay. Đây cũng là đêm thứ ba liên tiếp lực lượng Nga triển khai tấn công hiệp đồng bằng UAV và tên lửa.
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Mỹ và đồng minh phương Tây phản ứng mạnh mẽ hơn, đồng thời cho rằng "sự im lặng của cộng đồng quốc tế" đã khuyến khích Nga leo thang tập kích.
Mặc dù không quân Ukraine tuyên bố đã bắn hạ nhiều UAV và tên lửa, quy mô các cuộc tấn công liên tiếp vẫn đẩy hệ thống phòng không của nước này đến giới hạn. Giới chuyên gia cho rằng hệ thống phòng không của Ukraine bị quá tải và không thể đối phó với số lượng mục tiêu tấn công lớn như vậy. Các kênh quân sự Ukraine cũng báo cáo tình trạng thiếu đạn và hệ thống phòng không, khiến các hệ thống gần như bất lực trước làn sóng UAV và tên lửa dày đặc.
Theo giới chuyên gia, cuộc không kích quy mô lớn của Nga mang nhiều mục đích chiến lược và chính trị, trong bối cảnh hai bên sắp bước vào các vòng đàm phán tiềm năng để "định đoạt" cục diện chiến sự.
Để tăng lợi thế đàm phán, gần đây Ukraine tiến hành hơn 800 cuộc tấn công bằng UAV vào các cơ sở năng lượng và quân sự trên lãnh thổ Nga, theo Reuters. Một ngày trước đó, quân đội Ukraine đã tập kích loạt mục tiêu trên đất Nga bằng UAV tầm xa, trong đó có các địa điểm ở thủ đô Moskva. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố nước này sẽ đáp trả thích đáng các cuộc tấn công của Ukraine.
Các cuộc không kích dữ dội những ngày qua được coi là đòn "ăn miếng trả miếng" như vậy, đồng thời phát đi thông điệp Nga có khả năng đáp trả mạnh mẽ hơn bất cứ hành động tấn công nào của Ukraine, nhằm ngăn Kiev tiếp tục các cuộc tấn công xuyên biên giới.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), Nga đã tăng cường sản xuất drone tại khu vực Alabuga ở Tatarstan, với mục tiêu sản xuất 6.000 UAV Geran-2 vào cuối năm 2025. Cuộc không kích ồ ạt ngày 25/5 và 26/5 được coi là minh chứng cho năng lực sản xuất và triển khai quy mô lớn UAV của Nga, nhằm làm suy yếu khả năng phòng thủ của Ukraine.
"Nga coi các cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine vào lãnh thổ của mình là hành động khiêu khích nghiêm trọng. Các cuộc không kích đáp trả là thông điệp rõ ràng rằng Moskva sẽ đáp trả mạnh mẽ hơn, bất chấp các nỗ lực ngoại giao như trao đổi tù binh", theo chuyên gia an ninh quốc tế Angela Stent từ Đại học Georgetown, Mỹ.
Cuộc tập kích cũng cho thấy Nga hoàn toàn có thể tăng đáng kể áp lực quân sự với Ukraine, gây thiệt hại vật chất và làm suy yếu tinh thần người dân nước này, đặc biệt khi Kiev đang đối mặt với thách thức về nguồn lực quân sự. Thông điệp răn đe này sẽ được khuếch đại khi Ukraine gần như không có thời gian để sửa chữa, khắc phục hạ tầng năng lượng bị tổn hại nghiêm trọng trước mùa đông.
"Nga thường sử dụng các hành động quân sự để làm lu mờ những tiến bộ ngoại giao. Cuộc không kích này nhằm gây áp lực lên Ukraine, buộc họ phải phân tán nguồn lực giữa ứng phó với các cuộc tấn công và duy trì nỗ lực nhân đạo", chuyên gia phân tích chiến lược Orysia Lutsevych từ Chatham House nhận định.
Chuyên gia quân sự Seth Jones từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cảnh báo nếu Ukraine không nhận được thêm hỗ trợ về hệ thống phòng không hiện đại, họ sẽ khó lòng chống đỡ các cuộc tấn công tương tự trong tương lai.
Bên cạnh thông điệp về chiến lược, bằng cách phô diễn sức mạnh quân sự, Nga còn muốn gửi thông điệp cứng rắn đến phương Tây, qua đó củng cố vị thế trên bàn đàm phán. Nga cũng phát đi tín hiệu về chính trị với Ukraine rằng họ không sẵn sàng nhượng bộ trong đàm phán hòa bình, trừ khi các điều kiện tiên quyết của Moskva được đáp ứng, bao gồm việc Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, giải giáp quân đội và công nhận quyền kiểm soát các khu vực Nga sáp nhập.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần nhấn mạnh rằng Nga sẽ không nhượng bộ trong các cuộc đàm phán hòa bình trừ khi giải quyết các "nguyên nhân gốc rễ" của xung đột.
Theo Fiona Hill, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, các cuộc không kích Ukraine những ngày qua là cách Nga gửi thông điệp đến chính quyền Tổng thống Donald Trump rằng họ không ở thế yếu trên bàn đàm phán và ông Putin muốn đảm bảo rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải có lợi cho Nga.
Việc đòn tấn công quy mô lớn diễn ra ngay sau cuộc trao đổi tù binh lớn nhất kể từ đầu chiến tranh cho thấy Nga có thể đang áp dụng phương pháp "vừa đánh, vừa đàm", kết hợp các biện pháp ngoại giao để giảm bớt sức ép từ chính quyền Trump, trong khi vẫn duy trì áp lực quân sự với Ukraine.
Tổng thống Trump gần đây tăng sức ép lên cả Nga và Ukraine để hai bên chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn, nhưng Moskva không chấp nhận và liên tục sử dụng các biện pháp "trì hoãn chiến thuật", đồng thời gia tăng áp lực trên chiến trường. Dù vậy, ông Trump từ chối áp đặt thêm trừng phạt mới đối với Nga, khiến Ukraine thất vọng.

Việc ông Trump không áp đặt thêm lệnh trừng phạt lên Nga, bất chấp đề nghị từ Tổng thống Zelensky và các đồng minh châu Âu, càng làm tăng sự tự tin của Nga trong việc sử dụng các hành động quân sự để gây áp lực. Theo Reuters, Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã lên kế hoạch thảo luận với ông Trump để thuyết phục ông thay đổi lập trường, nhưng triển vọng vẫn chưa rõ ràng.
Những đòn tập kích vừa qua cũng được coi là cách Nga thử phản ứng của NATO. Theo AP, Ba Lan đã điều động chiến đấu cơ F-16 để bảo vệ không phận gần biên giới Ukraine, sau khi một số UAV của Nga bay lạc vào không phận nước này. Điều này cho thấy Nga đang thăm dò giới hạn của NATO, đồng thời gây áp lực lên các nước láng giềng của Ukraine để làm suy yếu sự đoàn kết của liên minh.
Chiến lược "vừa đánh vừa đàm" của Nga có thể làm phức tạp hóa nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài, trong khi việc Tổng thống Trump mất kiên nhẫn với quá trình tìm kiếm lệnh ngừng bắn nhiều khả năng sẽ thúc đẩy Mỹ rút khỏi tiến trình trung gian, giảm bớt sự ủng hộ cho Ukraine.
Theo chuyên gia Angela Stent, các cuộc không kích quy mô lớn và tần suất dày đặc của Nga vào Ukraine không chỉ là những đòn tấn công quân sự đơn thuần, mà còn mang ý nghĩa chính trị và chiến lược sâu rộng. Với quy mô chưa từng có, những đợt tập kích như vậy cho thấy Nga quyết tâm duy trì áp lực quân sự để buộc Ukraine nhượng bộ, bất chấp các nỗ lực ngoại giao.
Đối với Ukraine, sự kiện này là một lời nhắc nhở về sự tàn khốc của chiến tranh và nhu cầu cấp bách về sự hỗ trợ quốc tế. Trong bối cảnh hiện tại, triển vọng hòa bình vẫn còn mờ mịt và những cuộc không kích này càng cho thấy tầm quan trọng của nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt chiến tranh.
Nguồn: VNExpress
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này