Thủ tướng Hungary, nước thành viên ICC, tuyên bố sẽ mời Thủ tướng Netanyahu tới thăm sau khi tòa phát lệnh bắt lãnh đạo Israel vì cuộc chiến ở Gaza.
"Trong hôm nay, tôi sẽ mời Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tới thăm Hungary. Tôi sẽ đảm bảo với Thủ tướng Netanyahu rằng nếu ông ấy đến, phán quyết của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) sẽ không có hiệu lực ở Hungary. Chúng tôi cũng không tuân thủ phán quyết đó", Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm nay cho hay.
Theo ông Orban, quyết định của ICC là "cực kỳ xúc phạm", "giễu cợt và "can thiệp vào một cuộc xung đột đang diễn ra, mang danh quyết định pháp lý nhưng thực chất chứa mục đích chính trị". "Chẳng có gì để phải chọn, chúng ta không cần tuân thủ quyết định này", ông hay.
Thủ tướng Hungary cũng nhấn mạnh lệnh bắt của ICC là "sai lầm" và lãnh đạo Israel có thể tiến hành đàm phán ở Hungary "trong điều kiện an toàn tuyệt đối".
Bình luận của ông Orban được đưa ra sau khi ICC phát lệnh bắt Thủ tướng Israel Netanyahu cùng cựu bộ trưởng quốc phòng Yoav Gallant và chỉ huy cánh vũ trang Hamas Mohammed Deif vì "các tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh" ở Dải Gaza.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cũng chỉ trích lệnh bắt của ICC đối với Thủ tướng Israel là "đáng xấu hổ và ngớ ngẩn".
"Quyết định này đã hạ bệ tòa án quốc tế, khi coi các lãnh đạo của quốc gia bị tấn công tàn bạo ngang hàng với tổ chức chịu trách nhiệm về cuộc tấn công đó", ông Szijjarto nói trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Israel Gideon Sa'ar.
ICC được thành lập năm 2002, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan. Đây là tòa án thường trực để truy tố cá nhân phạm tội ác diệt chủng, chống lại loài người và tội ác chiến tranh. Hungary là một trong 124 quốc gia thành viên ICC.
Theo quy định, các nước thành viên ICC có nghĩa vụ bắt nếu ông Netanyahu, ông Gallant và Deif tới lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, động thái của ICC chủ yếu mang tính biểu tượng, vì quan chức bị phát lệnh bắt thường tránh đến những nước này. ICC cũng không thể tiến hành xét xử vắng mặt.
Hungary ký Quy chế Rome, công ước thành lập ICC, vào năm 1999 và phê chuẩn hai năm sau đó, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Orban. Tuy nhiên, Budapest chưa công bố chính sách thi hành do vướng mắc về hiến pháp và khẳng định họ không có nghĩa vụ tuân thủ các quyết định của ICC.
Lệnh bắt của ICC đối với ông Netanyahu đã gây ra những phản ứng trái chiều từ các nước.
Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích động thái của ICC là "sự xúc phạm" và khẳng định tiếp tục "sát cánh" cùng Tel Aviv. Tổng thống Argentina Javier Milei bày tỏ phản đối lệnh bắt của ICC, cho rằng việc làm này của tòa đã "phớt lờ quyền tự vệ hợp pháp của Israel trước các cuộc tấn công liên tục của Hamas và Hezbollah".
Trong khi đó, Josep Borrell, người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), cho rằng quyết định của tòa "phải được tôn trọng và thực hiện". Italy, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Bỉ cũng bày tỏ đồng tình với quyết định của tòa và tuyên bố sẽ tuân thủ lệnh bắt.
Nguồn: Vnexpress
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này