Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam, đồng thời nêu một số đề xuất khi gặp đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Myanmar tại Davos ngày 22-1.
Theo Bộ Ngoại giao, tại cuộc tiếp bà Julie Bishop, đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Myanmar ở Thụy Sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam luôn quan tâm theo dõi tình hình và mong muốn Myanmar sớm ổn định trở lại, vì lợi ích của nhân dân Myanmar cũng như vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Ông khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Myanmar.
Việt Nam không ủng hộ các biện pháp bao vây cấm vận làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Myanmar. Đồng thời, vấn đề Myanmar cần do người Myanmar giải quyết, phải có sự thỏa thuận, nhân nhượng và tham gia của tất cả các bên liên quan.
Cách tiếp cận, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nên là "cái dễ làm trước, cái khó làm sau, phải kiên trì" đồng thời mong đặc phái viên chia sẻ, chung tay giải quyết vấn đề Myanmar để mang lại cuộc sống hòa bình, ổn định cho người dân Myanmar.
Thủ tướng khẳng định với vai trò, uy tín và quan hệ của mình, Việt Nam sẵn sàng làm mọi việc để mang lại hòa bình, ổn định cho Đông Nam Á cũng như Myanmar, sẵn sàng hợp tác với Liên hợp quốc vì mục tiêu này, bao gồm việc cung cấp địa điểm để tất cả để các bên liên quan gặp gỡ, trao đổi nhằm tìm giải pháp cho vấn đề Myanmar.
Ông cũng chia sẻ các nỗ lực của ASEAN và Việt Nam để phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc thúc đẩy và phối hợp với tất cả các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình, hòa giải tại Myanmar.
Về phần mình, bà Bishop đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở khu vực và chia sẻ với Thủ tướng các đánh giá về tình hình hiện nay tại Myanmar cùng những nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề Myanmar.
Các nỗ lực này bao gồm nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Sáng kiến về tổ chức một Hội nghị về vấn đề người Rohingya và bang Rakhine.
Đánh giá cao và nhất trí với các đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính, bà khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với ASEAN để thúc đẩy các bên liên quan đối thoại để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Myanmar.
Myanmar rơi vào vòng xoáy bất ổn kể từ năm 2021 khi quân đội tiến hành chính biến lật đổ chính quyền dân cử của bà Aung San Suu Kyi. Căng thẳng leo thang khi lực lượng vũ trang của các nhóm dân tộc thiểu số và phe đối lập phát động nhiều cuộc tấn công vào quân đội của chính quyền quân sự.
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này