Các lãnh đạo châu Âu họp khẩn tại Pháp để thích ứng trước thực tại mới trong quan hệ với Mỹ, đồng thời phát thông điệp rằng họ cần được tham dự vào tiến trình đàm phán hòa bình Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 17/2 chủ trì cuộc họp của các lãnh đạo châu Âu ở Paris. Cuộc họp được mô tả là "khẩn cấp", sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để bắt đầu đàm phán hòa bình Ukraine mà không cần Liên minh châu Âu (EU) tham gia. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo các nước Đức, Anh, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đan Mạch, đại diện EU và Tổng thư ký NATO Matt Rutte.
Nigel Gould-Davies, nhà nghiên cứu về Nga và Âu - Á tại Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược (IISS), nhận định châu Âu lo lắng vì không thể góp phần thiết lập một thỏa thuận tiềm tàng, trong khi khu vực là bên sẽ phải gánh chịu những tác động từ kết quả đàm phán.
"Chỉ Mỹ đàm phán với Nga, nhưng Mỹ lại muốn châu Âu thực thi và bảo đảm cho bất kỳ thỏa thuận nào mà Washington thiết lập được", ông Gould-Davies, nói với CNN. "Không ngoa chút nào khi nói đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà liên minh xuyên Đại Tây Dương phải đối mặt".

Trong suốt ba năm chiến sự Ukraine, châu Âu và Mỹ chung lập trường đối phó Nga, nhưng mọi thứ đã thay đổi đáng kể từ khi ông Trump nhậm chức. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuần trước nói việc Ukraine gia nhập NATO là "không thực tế" và an ninh châu Âu không còn là ưu tiên đối với Mỹ.
Ông Trump đã điện đàm với ông Putin về chiến sự Ukraine mà không báo trước cho các đồng minh châu Âu. Phó tổng thống Mỹ ngày 14/2 chỉ trích châu Âu, nói khu vực đối mặt nguy cơ lớn nhất từ bên trong, không phải từ Nga hay Trung Quốc. Đặc phái viên của ông Trump về Ukraine và Nga Keith Kellogg ngày 15/2 nói rằng châu Âu sẽ không tham gia đàm phán về xung đột.
"Những tuyên bố từ chính quyền Trump đẩy châu Âu vào vùng bất định", theo ông Gould-Davies. Châu Âu lo ngại chính quyền Trump sẽ chấp nhận nhiều nhượng bộ với Nga để đạt được lệnh ngừng bắn nhanh nhất có thể.
Thực tế, chính quyền ông Trump chưa nêu cụ thể mong muốn những gì trong vấn đề Ukraine và đây chính là "khe cửa hẹp" để châu Âu tận dụng, nhằm thể hiện mình là một đối tác vô giá của Mỹ, BBC nhận định.
Theo Tổng thư ký NATO Mark Rutte, nếu muốn tham gia đàm phán, châu Âu cần đưa ra "những đề xuất tốt" cho hòa bình Ukraine. "Nếu châu Âu muốn có tiếng nói, hãy thể hiện mình có những ý tưởng phù hợp cho vấn đề", ông Rutte trả lời họp báo bên lề Hội nghị An ninh Munich, Đức ngày 15/2.
Đây cũng là mục đích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hướng đến khi mở cuộc họp khẩn tại Paris ngày 17/2. Văn phòng ông chủ Điện Elysee cho biết cuộc họp là nỗ lực ban đầu nhằm xác định xem châu Âu có thể làm gì để giúp Ukraine đạt thỏa thuận tốt nhất và vạch ra kế hoạch giúp châu Âu thích ứng với thực tại mới trong quan hệ với Mỹ.
Một trong những vấn đề được thảo luận là việc nhiều bên "muốn đưa binh sĩ đến Ukraine thời hậu chiến" và kêu gọi Mỹ hỗ trợ nỗ lực, dường như nhằm thu hút sự chú ý từ Washington.
"Tức là châu Âu sẵn sàng bước lên, chủ động tham gia, sẵn sàng hỗ trợ Ukraine sau khi đạt thỏa thuận hòa bình, bao gồm triển khai binh sĩ nếu cần thiết, nhưng phải có sự hậu thuẫn từ Mỹ, vì rõ ràng cần có đủ sự răn đe đối với ông Putin", ông Rutte nói.
Các nước châu Âu dự họp tiếp tục khẳng định sự ủng hộ cho Ukraine. Thủ tướng Đức nêu rõ không được ép buộc Ukraine trong thỏa thuận hòa bình với Nga. Thủ tướng Tây Ban Nha nói bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải có sự tham gia chủ động từ EU và Ukraine, để tránh chiến sự kết thúc không đúng cách.
Thủ tướng Anh Keir Starmer dự kiến tới Washington tuần sau để thảo luận với Tổng thống Trump về "những điều châu Âu coi là yếu tố then chốt để có hòa bình lâu dài".
Ông Starmer muốn tìm hướng đi mới khi tình hình địa chính trị châu Âu thay đổi, tìm kiếm sự tương đồng với Mỹ trong khi vẫn duy trì quan hệ với EU. Một số nhà phân tích cho rằng lập trường này giúp ông Starmer làm cầu nối giữa chính quyền Trump và châu Âu, truyền thông điệp đến Nhà Trắng.
Tuy nhiên, Julianne Smith, cựu đại diện thường trực Mỹ tại NATO, nói bất kể các lãnh đạo châu Âu đạt được đồng thuận gì ở Paris và dựa vào điều đó để yêu cầu một vị trí trên bàn đàm phán về Ukraine, họ vẫn ở thế yếu.
"Nếu ông Trump vẫn nói 'không', liệu họ có dừng nỗ lực hỗ trợ Ukraine? Họ không thể hành động thái quá dẫn đến nguy cơ gây tổn hại cho chính mình", bà Smith nói.

Châu Âu không còn nhiều thời gian để hành động. Các quan chức cấp cao Mỹ và Nga ngày 18/2 đã có cuộc đàm phán tại Riyadh, Arab Saudi.
Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa, châu Âu "cần giữ bình tĩnh" và "chuẩn bị cho mọi kịch bản, không nhất thiết phải phản ứng với từng tuyên bố, bài đăng trên mạng xã hội hay phát biểu". Điều quan trọng hơn chính là sự ủng hộ lâu dài mà châu Âu dành cho Ukraine.
"Không thể có hòa bình bền vững nếu không có Ukraine và EU", ông Costa nói.
Nguồn: Vnexpress
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này