Ngày 11/11, Tòa án quận Basmanny của Moscow đã ban hành lệnh bắt giữ ông Haykel Ben Mahfoudh, một thẩm phán của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) với cáo buộc đã thực hiện bắt giữ trái phép tại Nga.
Theo The Moscow Times, các quan chức tại Nga đã buộc tội ông Mahfoudh về tội bắt giữ bất hợp pháp – tội có thể bị phạt tới 4 năm tù tại Nga. Ngoài ra, hãng thông tấn TASS dẫn lời một phát ngôn viên tòa án cho biết ông Mahfoudh còn bị đưa vào danh sách truy nã quốc tế. Phán quyết này đồng nghĩa với việc ông sẽ ngay lập tức bị bắt giữ nếu ông đến Nga hoặc bị một quốc gia thứ 3 dẫn độ.
Các cáo buộc bắt giữ bất hợp pháp khởi nguồn từ phán quyết của ông cùng 2 thẩm phán của ICC khác hồi tháng 6 vừa qua, trong đó Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov. Vào thời điểm đó, hai quan chức này bị cáo buộc chịu trách nhiệm cho các “tội ác chiến tranh” tại Ukraine.
Trước đó vào năm 2023, ICC cũng đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên Quyền trẻ em Maria Lvova-Belova về cáo buộc "trục xuất bất hợp pháp" trẻ em khỏi "các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine". Theo đó, trát bắt giữ yêu cầu 123 thành viên của ICC bắt giữ Tổng thống Nga và giao nộp ông đến Den Haag để xét xử nếu ông đặt chân lên lãnh thổ của các nước này.
Nga phản đối các cáo buộc trên, đồng thời khẳng định nước này tiến hành sơ tán trẻ em khỏi vùng chiến sự một cách hợp pháp trong bối cảnh các cuộc không kích của UAV Ukraine gây ra nguy hiểm. Nước này cũng gọi các trát bắt giữ là vô lý, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi quyết định của ICC là "một hành động vô nghĩa" và không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào. "Nga không phải là một bên của Quy chế Rome về ICC nên chúng tôi không có nghĩa vụ gì với tòa án đó cả," bà Zakharova nhấn mạnh.
Mặc dù Nga là một trong những nước ký kết Quy chế Rome - tài liệu thành lập ICC - nhưng nước này chưa bao giờ phê chuẩn hiệp ước để trở thành thành viên và chính thức rút khỏi hiệp ước vào năm 2016.
Vào thời điểm đó, Ủy ban điều tra của Nga cũng ngay lập tức tuyên bố mở cuộc điều tra hình sự đối với công tố viên ICC Karim Khan và 3 thẩm phán khác dựa trên quyết định "bất hợp pháp" của họ khi tìm cách bắt giữ ông Putin. Nga đã ban hành lệnh bắt giữ đối với ông Karim Khan, đồng thời cũng cho ông vào danh sách truy nã.
Ở một diễn biến khác, công tố viên Karim Khan hồi tháng 5 còn cho biết ông đang xin lệnh bắt giữ thủ lĩnh Hamas ở Gaza Yahya Sinwar – người đã bị ám sát - và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng một số lãnh đạo cấp cao của hai bên. Tuyên bố này vấp phải thái độ phản đối kịch liệt của Thủ tướng Israel khi ông tuyên bố: “Tôi từ chối sự so sánh ghê tởm của công tố viên ở Hague giữa Israel dân chủ và những kẻ sát nhân hàng loạt ở Hamas”.
Ông cho biết ICC so sánh Hamas đã thực hiện các hành động tàn ác lên người dân Israel “với những người lính IDF đang chiến đấu trong một cuộc chiến chính nghĩa” là “sự bóp méo hoàn toàn thực tế”. Ông Netanyahu nhận định động thái của công tố viên ICC là một kiểu bài Do Thái mới.
(Nguồn: Mekongasean)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này