Tuyên bố thiết quân luật bất ngờ vào đêm muộn của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã khiến những mâu thuẫn kéo dài nhiều năm với các đối thủ trong nước, truyền thông và thậm chí cả đảng bảo thủ của chính ông bùng nổ.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol buộc phải rút lại lệnh thiết quân luật khi Quốc hội, bao gồm cả một số thành viên trong đảng cầm quyền, bỏ phiếu ngăn chặn quyết định này chỉ vài giờ sau khi ban bố.
Diễn biến bất ngờ trong thời gian ngắn ngủi không chỉ đặt dấu hỏi lớn cho tương lai chính trị của ông mà còn gây chấn động chính trường Hàn Quốc.
Hệ lụy của lệnh thiết quân luật
Đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống sát nút nhất lịch sử Hàn Quốc vào năm 2022, ông Yoon Suk Yeol lên nắm quyền giữa làn sóng bất mãn về kinh tế, các bê bối chính trị và những căng thẳng xã hội về giới tính. Khi lên cầm quyền, ông quyết tâm định hình lại tương lai chính trị của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Ông Yoon được các lãnh đạo phương Tây xem như một đối tác quan trọng trong nỗ lực đoàn kết các nền dân chủ. Tuy nhiên, trong khi ông nhấn mạnh các giá trị dân chủ trên trường quốc tế thì tại quê nhà, ông ngày càng bị chỉ trích về cách lãnh đạo cứng rắn, với lo ngại về các biện pháp trấn áp mạnh tay.
Trước đó, khi ông Kim Yong Hyun được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 9, ông Yoon đã phủ nhận những cáo buộc rằng chính phủ đang chuẩn bị cho lệnh thiết quân luật.
Quyết định gây tranh cãi của ông Yoon diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang tìm cách củng cố vị thế trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào ngày 20-1. Ông Trump từng có những xung đột với người tiền nhiệm của ông Yoon về vấn đề thương mại và chi phí quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.
Giới phân tích nhận định rằng động thái này làm tổn hại đến uy tín quốc tế của Hàn Quốc. "Đối với một tổng thống chú trọng danh tiếng quốc tế, điều này khiến Hàn Quốc trông rất bất ổn", ông Mason Richey, giáo sư tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk, nhận xét.
Ông Mason Richey cũng cảnh báo rằng sự kiện này có thể gây tác động tiêu cực đến thị trường tài chính và vị thế ngoại giao của Hàn Quốc.
Một nhà ngoại giao phương Tây đề nghị không nêu tên cho biết lệnh thiết quân luật sẽ làm phức tạp các cuộc thảo luận về việc Hàn Quốc tham gia các nỗ lực ngoại giao đa phương.
Bà Jenny Town, chuyên gia tại Trung tâm Stimson ở Mỹ, nhận định quyết định của ông Yoon là "tuyệt vọng và nguy hiểm", có thể đánh dấu khởi đầu cho sự sụp đổ của nhiệm kỳ tổng thống.
"Ông ấy đã không được lòng dân, nhưng điều này có thể là giọt nước tràn ly, thúc đẩy quá trình luận tội", bà Jenny Town nói.
Khủng hoảng nội bộ và bất ổn xã hội
Theo báo cáo năm 2023 của Viện Đa dạng dân chủ (V-Dem) thuộc Đại học Gothenburg, Thụy Điển, nền dân chủ Hàn Quốc đã suy giảm kể từ khi ông Yoon nhậm chức. Báo cáo nêu bật các vụ kiện pháp lý chống lại những nhân vật thuộc chính quyền tiền nhiệm, cùng các chính sách làm tổn hại đến bình đẳng giới và tự do ngôn luận.
Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) cầm quyền của ông Yoon đã chịu thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 4, khi đảng đối lập chính giành được 175/300 ghế. Nội bộ Đảng PPP cũng rạn nứt, với cựu đồng minh thân cận của ông Yoon, Han Dong Hoon, công khai kêu gọi ông rút lại lệnh thiết quân luật.
Trong khi đó, các bê bối liên quan đến ông Yoon và vợ tiếp tục làm suy giảm uy tín, kéo tỉ lệ ủng hộ xuống mức thấp kỷ lục. Chính sách cứng rắn với các công đoàn lao động và lệnh triệu tập bác sĩ đình công vì cải cách y tế cũng làm gia tăng bất mãn xã hội.
Theo: Tuổi trẻ
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này