Việc Trung Quốc chính thức lồng ghép giáo dục trí tuệ nhân tạo (AI) vào chương trình giảng dạy bậc tiểu học từ năm học 2025 - 2026 là bước đi chiến lược, phản ánh tham vọng dài hạn của nước này trong việc khẳng định vị thế dẫn đầu toàn cầu trong kỷ nguyên công nghệ mới.
Theo thông báo mới nhất từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, từ kỳ học mùa thu năm 2025, các trường tiểu học và trung học trên toàn quốc sẽ bắt đầu triển khai các môn học liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Chính sách này cho phép các trường linh hoạt tích hợp nội dung AI vào các môn học hiện hành hoặc tổ chức thành các lớp học chuyên biệt.
Học sinh tiểu học sẽ được tiếp cận với các khái niệm cơ bản thông qua các hoạt động thực hành đơn giản. Ở cấp trung học cơ sở, các em sẽ tìm hiểu sâu hơn về ứng dụng của AI trong đời sống, trong khi chương trình trung học phổ thông sẽ tập trung vào đổi mới sáng tạo và giải quyết vấn đề bằng công nghệ AI.
Ông Huai Jinpeng - Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc khẳng định rằng, AI là một trong những động lực chủ chốt của cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu và mang lại cơ hội to lớn trong lĩnh vực giáo dục.
Dự kiến vào năm 2025, một báo cáo chính thức (white paper) về giáo dục AI sẽ được công bố, nhằm định hướng chiến lược và phương pháp tích hợp công nghệ này vào hệ thống giáo dục quốc gia.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc nhận định rằng việc thúc đẩy giáo dục AI từ bậc tiểu học phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại trên thế giới. Dù nhiều quốc gia như Ý hay các bang tiên tiến của Mỹ như California đã bắt đầu đưa kiến thức AI vào giảng dạy, song Trung Quốc vẫn nổi bật với quy mô và cách tiếp cận tập trung mang tính hệ thống.
Giáo dục AI không chỉ mang lại môi trường học tập tương tác, cá nhân hóa và tiết kiệm chi phí, mà còn trang bị cho học sinh tư duy phản biện, kiến thức số và kỹ năng cần thiết để thích nghi với một xã hội ngày càng tự động hóa.
Bằng việc đầu tư sớm vào giáo dục AI, Trung Quốc không chỉ nuôi dưỡng năng lực công nghệ cho thế hệ tương lai mà còn củng cố năng lực cạnh tranh kinh tế bền vững trong dài hạn. Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo ngày càng trở thành yếu tố then chốt của phát triển kinh tế toàn cầu, việc tiếp cận và làm chủ công nghệ từ giai đoạn giáo dục phổ thông sẽ là lợi thế chiến lược không nhỏ.
Ngoài các lợi ích kinh tế và giáo dục, chính sách này còn phục vụ mục tiêu gia tăng ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc. Việc xây dựng chuyên môn về AI ngay từ lứa tuổi nhỏ không chỉ đặt nền móng cho sự phát triển công nghệ trong nước, mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Bắc Kinh trên bàn cờ công nghệ toàn cầu.
Giới quan sát cho rằng, nếu chính sách này thành công, nó sẽ trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia khác trong việc định hình lại hệ thống giáo dục theo hướng hiện đại, công nghệ hóa và thích ứng với thời đại AI.
Chính sách giáo dục trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc vì vậy không đơn thuần là một cải cách giáo dục, mà còn là một tuyên bố chiến lược về tầm nhìn và quyết tâm xây dựng nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, sẵn sàng dẫn dắt thế giới trong kỷ nguyên mới.
Nguồn: doanhnhansaigon.vn
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này