Trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên, ông Donald Trump đã áp dụng chính sách tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu.
Dù vậy, tác động của các biện pháp này gần như không có ảnh hưởng rõ rệt đến toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump, tác động của các chính sách áp thuế có thể sẽ khác. Theo một số chuyên gia, triển vọng ông Trump hiện thực hóa những cam kết của mình đang “phủ mây đen” lên triển vọng kinh tế Mỹ.
Các số liệu cho thấy biện pháp thuế quan của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên chưa thực hiện được lời hứa tạo ra nhiều công việc trong những nhà máy, song cũng không gây ra một làn sóng lạm phát như những gì mà một số người đã quan ngại.
Hoạt động tại cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Song, trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, ông Trump đề cập đến việc áp dụng một quy mô thuế quan lớn hơn nhiều. Điều này tạo ra sự không chắc chắn về việc liệu ông có thực hiện như đã nói và những hậu quả có thể xảy ra là gì.
Ông Michael Stumo, Giám đốc điều hành của Coalition for a Prosperous America, một tổ chức ủng hộ thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất trong nước, cho rằng ông Trump rất rõ ràng về việc sẽ áp dụng nhiều hàng rào thuế quan hơn nữa.
Những cảnh báo
Ngày 25/11, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm từ Mexico và Canada, và thêm 10% thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc, do lo ngại về tình trạng nhập cư bất hợp pháp và buôn ma túy. Những khoản thuế này có thể thực sự phá vỡ thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ mà đội ngũ của ông Trump đã đàm phán trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên.
Tuy nhiên, ngày 27/11, ông Trump đã đăng trên mạng xã hội rằng ông đã nói chuyện với Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum và bà đã đồng ý ngừng dòng người di cư trái phép qua biên giới vào Mỹ.
Các đảng viên đảng Dân chủ và các nhóm doanh nghiệp đã cảnh báo về những rủi ro từ chính sách thuế của ông Trump, trong đó, các nhóm doanh nghiệp đã nhanh chóng cảnh báo về nguy cơ lạm phát leo thang. Các nghị sỹ đảng Dân chủ tại Hạ viện đã chuẩn bị dự luật ngăn cản quyền áp dụng thuế quan đơn phương của Tổng thống, với cảnh báo về nguy cơ giá ô tô, giày dép, nhà ở và thực phẩm tăng cao.
Ngày 26/11, các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện đã giới thiệu một dự luật yêu cầu sự chấp thuận của Quốc hội trước khi Tổng thống Mỹ có thể áp thuế. Đây là hành động chủ yếu mang tính tượng trưng trong bối cảnh đảng Cộng hòa kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện.
Dự luật trên sẽ đặt ra sự giám sát cần thiết từ Quốc hội trước khi Tổng thống có thể ra quyết định áp thuế. Tuy nhiên, đối với ông Trump, thuế quan giờ đây là một công cụ đã được kiểm nghiệm và sẽ ít gây tranh cãi về mặt chính trị, dù nhiệm vụ mà ông nhận được trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua chủ yếu liên quan đến việc kiềm chế lạm phát.
Các khoản thuế quan mà ông Trump đã áp đặt đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên đã được Tổng thống Joe Biden, tiếp tục thực hiện, thậm chí ông Biden còn mở rộng các khoản thuế và chính sách hạn chế đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các quan chức của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã xem xét việc dỡ bỏ các khoản thuế của ông Trump để giảm áp lực lạm phát, nhưng cuối cùng họ nhận thấy biện pháp này sẽ khó giảm đáng kể giá cả.
Chính sách áp thuế “rất mới mẻ” vào năm 2017, song đến nay chính sách này đã được coi là một phần công cụ chính sách của Mỹ và các quốc gia khác.
Nhìn lại nhiệm kỳ đầu tiên
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã áp thuế đối với các tấm pin năng lượng Mặt Trời và máy giặt vào đầu năm 2018. Khí đó, Chính phủ Mỹ cũng đã áp thuế đối với thép và nhôm, bao gồm với cả các đồng minh. Sau đó, ông tăng thuế đối với Trung Quốc, dẫn đến một cuộc xung đột thương mại và một thỏa thuận hạn chế vào năm 2020 song không thực hiện được các cam kết về việc Trung Quốc mua hàng hóa của Mỹ.
Dù vậy, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã thay đổi mối quan hệ song phương khi nhiều công ty Mỹ bắt đầu tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế ở những quốc gia khác.
Các nghiên cứu kinh tế độc lập cũng chỉ ra rằng cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc không mang lại lợi ích kinh tế cho những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi việc chuyển sản xuất ra ngoài nước, nhưng lại giúp ông Trump và các đảng viên Cộng hòa có được sự ủng hộ chính trị tại các cộng đồng này.
Theo hồ sơ của Văn phòng Quản lý và Ngân sách, khi ông Trump lần đầu tiên trở thành Tổng thống Mỹ vào năm 2017, chính phủ liên bang đã thu được 34,6 tỷ USD từ thuế hải quan, thuế và phí. Số tiền này đã tăng hơn gấp đôi dưới thời ông Trump và đạt 70,8 tỷ USD vào năm 2019.
Dù vậy, con số này vẫn khá nhỏ so với nền kinh tế tổng thể. Theo Cục Phân tích Kinh tế, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ hiện nay là 29.300 tỷ USD. Tổng số thuế quan thu được tại Mỹ chỉ chưa đến 0,3% GDP.
Tương lai của nhiệm kỳ hai
Các khoản thuế quan mới mà ông Trump đang đề xuất lớn hơn rất nhiều và có thể có tác động đáng kể hơn.
Nếu Mexico, Canada và Trung Quốc phải chịu thêm các khoản thuế do ông Trump đề xuất đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, số tiền thuế thu được có thể lên tới khoảng 266 tỷ USD, một con số không tính đến bất kỳ sự gián đoạn thương mại hay những biện pháp đáp trả từ các quốc gia khác. Các gia đình Mỹ, nhà nhập khẩu và những công ty trong và ngoài nước sẽ phải gánh các khoản thuế này dưới hình thức hoặc trả giá cả cao hơn hoặc lợi nhuận thấp hơn.
Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden trước đây cho biết họ lo ngại rằng các công ty có thể lợi dụng các khoản thuế của ông Trump như một lý do để tăng giá. Điều này sẽ giống như việc các công ty tăng giá vào năm 2022, sau khi bùng phát xung đột Nga-Ukraine.
Bà Jen Harris, một cựu quan chức Nhà Trắng bày tỏ lo ngại về những khoản thuế đối với nhiều quốc gia sẽ tạo điều kiện cho các công ty đẩy giá bán hàng hóa lên.
Theo các chuyên gia, lời cảnh báo áp thuế của ông Trump đang tạo ra một cảm giác không chắc chắn khi các doanh nghiệp lẫn những quốc gia không biết chắc liệu ông sẽ thực hiện chính sách như dự kiến hay không.
(Nguồn: baotintuc.vn)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này