Tỷ lệ tiêm vaccine thấp, miễn dịch suy yếu và không tiếp cận kịp thời thuốc điều trị là những lý do khiến hơn 300 người tại Mỹ tử vong do Covid mỗi tuần.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), trong tháng trước, trung bình mỗi tuần có khoảng 350 ca tử vong do Covid-19. Dù vẫn là con số đáng chú ý, tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể so với mức đỉnh là gần 26.000 ca trong tuần cuối cùng của năm 2021, cũng như so với các đợt dịch mùa xuân năm trước.
Các chuyên gia y tế công cộng nhận định, dù tình hình đã khả quan hơn nhiều, Covid-19 vẫn là mối đe dọa lớn đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
"Việc chúng ta vẫn chứng kiến các ca tử vong cho thấy virus vẫn đang lưu hành và mọi người vẫn mắc bệnh", Tony Moody, giáo sư nhi khoa chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Duke, nói.
Các chuyên gia chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản khiến Mỹ vẫn ghi nhận hàng trăm ca tử vong vì Covid-19 mỗi tuần.
Tỷ lệ tiêm vaccine thấp, miễn dịch suy yếu
Theo CDC, tính đến ngày 26/4, chỉ 23% người trưởng thành tại Mỹ được tiêm vaccine Covid-19 cập nhật cho mùa dịch 2024–2025. Tỷ lệ này ở trẻ em còn thấp hơn, chỉ đạt 13%.
Tiến sĩ Gregory Poland, chuyên gia về vaccine, giám đốc Viện nghiên cứu Atria, nhận định số người được tiêm phòng hiện chưa đủ để bảo vệ cộng đồng khỏi nguy cơ tử vong.
"Một số người có yếu tố di truyền khiến cơ thể họ không đáp ứng tốt với vaccine. Đây là điều tôi từng nghiên cứu với nhiều loại vaccine khác. Phổ biến hơn là những người bị suy giảm hệ miễn dịch nên không thể tạo ra phản ứng bảo vệ đầy đủ", Poland nói.
Ông cho biết thêm, hiệu lực của vaccine Covid-19 cũng suy giảm theo thời gian, làm tăng nguy cơ tái nhiễm. Vì vậy, CDC khuyến cáo người từ 65 tuổi trở lên nên tiêm hai mũi vaccine mới, cách nhau sáu tháng.
"Tuổi tác là yếu tố khác làm tăng nguy cơ tử vong. Khi bạn ngoài 70 hoặc 80 tuổi, hệ miễn dịch suy yếu rõ rệt, chưa kể các bệnh lý nền tích tụ theo tuổi tác", Poland nói.
Dữ liệu của CDC cho thấy nhóm từ 75 tuổi trở lên hiện có tỷ lệ tử vong cao nhất, khoảng 4,66 ca tử vong trên 100.000 người.

Không tiếp cận được phương pháp điều trị
Hiện nay, các thuốc điều trị Covid-19 dạng viên uống bao gồm molnupiravir (do Merck và Ridgeback Biotherapeutics phát triển) và Paxlovid (của Pfizer). Cả hai đều cần dùng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng, mỗi ngày hai lần, uống kéo dài 5 ngày.
Ngoài ra còn có remdesivir, thuốc tiêm tĩnh mạch cần sử dụng trong vòng 7 ngày đầu.
"Chúng ta chưa sử dụng tối ưu những công cụ sẵn có. Tôi từng gặp nhiều người dùng thuốc điều trị Covid-19 và nhận thấy hiệu quả rất rõ ràng. Các thử nghiệm lâm sàng cũng cho thấy hiệu quả rõ rệt", Moody nói.
Theo ông, một số người có triệu chứng nhưng không đến bệnh viện sớm, hoặc bỏ qua việc xét nghiệm, dẫn đến chậm chẩn đoán và lỡ thời điểm vàng điều trị. Moody lưu ý không phải ai cũng cần xét nghiệm thường xuyên. Tuy nhiên, những người thuộc nhóm nguy cơ cao nên làm điều này để có thể can thiệp y tế kịp thời.
Ngoài Mỹ, Covid đang tái bùng phát ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Thái Lan, Singapore, Hong Kong... Đặc biệt, Thái Lan đang theo dõi sát sao XEC, một nhánh phụ của Omicron, do nguy cơ lan rộng trong cộng đồng. Tiến sĩ Teera Woratanarat, giảng viên Y khoa tại Đại học Chulalongkorn, cho biết chủng XEC có tốc độ lây lan gần gấp 7 lần bệnh cúm.
Nguồn: VNExpress
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này