Sự chia rẽ giữa châu Âu và Mỹ về cách chấm dứt xung đột đang phơi bày một thực tế mới và gây mất phương hướng cho một liên minh đang gặp rắc rối.

Xung đột Ukraine khoét sâu rạn nứt
Nếu tiến trình chấm dứt xung đột ở Ukraine đòi hỏi sự gắn kết giữa các đồng minh thì có vẻ như hiện tại điều đó hầu như không có hoặc có rất ít.
Một loạt các cuộc đàm phán ngoại giao trong tuần này không giúp thúc đẩy lệnh ngừng bắn, chứ chưa nói đến hòa bình, mà chỉ minh họa cho sự bất hòa khó chịu ngày càng gia tăng giữa Mỹ và châu Âu.
Khi các nhà lãnh đạo châu Âu họp lại tại Paris, họ đã nêu rõ ưu tiên của mình là một đất nước Ukraine tự do, dân chủ và ổn định, có thể chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga.
"Chúng ta phải đưa Ukraine vào vị thế mạnh nhất để đàm phán một nền hòa bình vững chắc và lâu dài", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu hôm 27/3.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump đã theo đuổi nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 3 năm một cách nhanh chóng và theo các điều khoản kinh tế có lợi cho Mỹ, trong đó có việc khôi phục quan hệ với Nga và thỏa thuận khoáng sản với Ukraine.
Một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian nhằm chấm dứt giao tranh ở Biển Đen đã đạt được tại Riyadh, Saudi Arabia mà không có sự hiện diện của châu Âu. Tuy nhiên, hiện không rõ liệu thỏa thuận này có sớm được thực thi và có được đảm bảo hay không.
Chính quyền ông Trump và Điện Kremlin đã đưa ra 3 phiên bản cho các điều khoản của mình vì Moscow đặt điều kiện cho thỏa thuận là phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế, một động thái đòi hỏi sự ủng hộ của châu Âu và đang đối mặt với sự phản đối gay gắt từ châu lục này.
Tại Paris, nơi các nhà lãnh đạo châu Âu họp lại mà không có các quan chức Mỹ, cuộc thảo luận xoay quanh cách điều động một "lực lượng đảm bảo" để thúc đẩy bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào của Ukraine. Cái gọi là liên minh của sự tự nguyện bắt đầu giống liên minh của sự miễn cưỡng hơn. Không rõ những quốc gia nào sẽ tham gia và liệu lực lượng quân đội này sẽ triển khai ở đâu. Moscow đã cảnh báo về một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO nếu họ làm vậy.
Sau cuộc họp trên, Tổng thống Volodymyr Zelensky, người tham dự các cuộc đàm phán, đã tuyên bố rằng, "sẽ không ai trao lãnh thổ của chúng tôi cho ông Putin". Ông cũng cho biết, "đây là lập trường chung của chúng tôi, ít nhất là những người có mặt hôm nay".
Mỹ tin rằng hòa bình mà không có sự nhượng bộ lãnh thổ từ Ukraine là điều không thể.
(Nguồn: VOV)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này