Một khi dòng hải lưu đảo ngược Đại Tây Dương sụp đổ, mực nước biển sẽ dâng cao trên toàn cầu, các mô hình mưa thay đổi và nhiều hệ sinh thái biển bị phá hủy...
Dòng hải lưu đảo ngược Đại Tây Dương (AMOC) - một hệ thống phức tạp của các dòng hải lưu, trong đó có Gulf Stream, chuyên vận chuyển nhiệt lượng, chất dinh dưỡng và oxy qua Bắc Đại Tây Dương - đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ, có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho Trái đất.
Đây là cảnh báo được một nhóm nhà khoa học đưa ra trong thư ngỏ gửi tới Hội đồng Bắc Âu, đang nhóm họp tại thủ đô Reykjavik (Iceland) trong hai ngày 28 và 29-10.
Trong thư ngỏ, các nhà khoa học cảnh báo việc đánh giá thấp nguy cơ sụp đổ AMOC có thể gây ra những hậu quả thảm khốc cho các quốc gia Bắc Âu. Theo đó, các nước Bắc Âu sẽ phải đối mặt với mùa đông lạnh giá khắc nghiệt, thời tiết cực đoan và nạn đói.
Trên phạm vi toàn cầu, mực nước biển sẽ dâng cao, các mô hình mưa thay đổi và nhiều hệ sinh thái biển bị phá hủy. Do đó, các nhà khoa học muốn các nhà lãnh đạo Bắc Âu lưu ý tới "nguy cơ nghiêm trọng về sự thay đổi lớn trong dòng hải lưu ở Đại Tây Dương".
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ sụp đổ AMOC là tình trạng biến đổi khí hậu do hoạt động của con người gây ra. Việc khí hậu Trái đất ấm lên khiến các dòng hải lưu bị xáo trộn và làm suy yếu AMOC.
Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều cảnh báo về nguy cơ sụp đổ AMOC và các nghiên cứu gần đây càng khẳng định tính cấp bách của vấn đề, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có dự báo thống nhất về thời điểm xảy ra điều này.
Báo cáo đánh giá thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) cho rằng AMOC sẽ không sụp đổ đột ngột trước năm 2100. Tuy nhiên trong thư ngỏ, các nhà khoa học cho biết nghiên cứu mới chỉ ra rằng nguy cơ sụp đổ AMOC đã bị "đánh giá thấp đi rất nhiều" và điều này có thể xảy ra trong vài thập niên tới.
Theo: Tuổi trẻ
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này