Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 đang tiến đến những ngày quyết định, và với các cử tri người Mỹ gốc Việt, mỗi lá phiếu không chỉ là lựa chọn cá nhân mà còn chứa đựng những kỳ vọng về tương lai nước Mỹ.
Tham gia bầu cử, mỗi người Mỹ gốc Việt đều có lý do và tâm tư khác nhau, phản ánh sự đa dạng về hoàn cảnh sống, giá trị và khát vọng mà họ mong muốn được nhìn thấy trong tương lai của đất nước là quê hương thứ hai của họ.
Những quan điểm đối lập
Chị H. và anh N. - cặp đôi đã sống hơn 10 năm tại bang Texas, một bang "đỏ", xu hướng bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa - cho rằng cựu tổng thống Donald Trump không phù hợp làm lãnh đạo vì tính cách và phong cách ngoại giao thiếu tinh tế. Anh N. nhận xét: "Tổng thống cần phải là người biết tính toán xa, tính 5 - 10 bước trước người khác".
Cả hai anh chị cho rằng ông Trump thiếu nhất quán trong chính sách, điển hình như việc ông từng hứa buộc Mexico chi trả cho bức tường biên giới nhưng sau đó lại chuyển gánh nặng tài chính sang cho Chính phủ Mỹ.
Anh chị khẳng định năm nay sẽ ủng hộ Phó tổng thống Kamala Harris, ứng viên của Đảng Dân chủ. Từng đến Mỹ với tư cách du học sinh, họ nhận thấy chính sách nhập cư hiện hành là hợp lý và tin rằng Đảng Dân chủ mở ra nhiều cơ hội hơn cho những ai có nguyện vọng định cư hợp pháp.
Theo chị H., việc cho rằng người nhập cư cướp mất việc làm của người Mỹ là không hợp lý. "Trong đại dịch COVID-19, khi các nhà máy chế biến thịt phải đóng cửa, giá thịt tăng vọt trên toàn nước Mỹ. Nhưng phần lớn lao động ở những nhà máy này lại là người nhập cư. Nếu đuổi họ đi, hậu quả sẽ ra sao?".
Cũng theo họ, không chỉ trong ngành chế biến mà nhiều lĩnh vực kinh tế khác ở Mỹ cũng đang phụ thuộc vào lao động nhập cư. Hiện tại, ngành xây dựng ở Mỹ đang thiếu hụt nhân công nghiêm trọng vì người Mỹ không muốn làm. Phần lớn lực lượng lao động trong ngành này hiện cũng là dân nhập cư.
Tuy nhiên, lý do lớn nhất khiến anh chị quyết định ủng hộ Đảng Dân chủ năm nay là để cân bằng quyền lực. "Hiện tại, Đảng Cộng hòa đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong Tòa án tối cao, vì vậy cần có Đảng Dân chủ để kiềm chế quyền lực này. Hai phe thường có những chính sách đối lập rất mạnh mẽ và cực đoan - anh chị nhận xét - Có thể kỳ bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo chúng tôi sẽ chọn Đảng Cộng hòa, nhưng chắc chắn không phải lần này".
Tuy nhiên, ba mẹ của chị H. và anh N. lại có quan điểm khác, họ ủng hộ ông Trump. Vì thế trong gia đình, các thành viên thường tránh đề cập đến chính trị để hạn chế mâu thuẫn. Giống như ba mẹ họ, phần đông người Việt ở Texas và nhiều nơi khác tại Mỹ cũng chọn ủng hộ ông Trump.
Một gia đình người Việt đi bỏ phiếu sớm tại thành phố Dallas, bang Texas - Ảnh: Nguyễn Thư
Với nhiều người, ông Trump đại diện cho chính sách kinh tế vững mạnh và lập trường cứng rắn về an ninh quốc gia. Chị Thục, 31 tuổi, đã sống tại Texas hơn 15 năm và làm việc trong ngành y tế, chia sẻ rằng gia đình chị luôn kiên định ủng hộ ông Trump qua các kỳ bầu cử.
Đối với chị Thục, ông Trump là một doanh nhân nổi tiếng, có khả năng tập trung vào các chính sách cải thiện kinh tế - điều mà chị cho là rất thực tế và có ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình mình.
Đồng quan điểm, anh Charlie, 27 tuổi, một chuyên viên môi giới bất động sản vừa trở thành công dân Mỹ, cho biết đây là lần đầu tiên anh đi bỏ phiếu và cũng sẽ ủng hộ ông Trump.
Charlie cho biết anh ngưỡng mộ phong cách lãnh đạo mạnh mẽ của ông Trump và tin rằng các chính sách thúc đẩy kinh tế của ông sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân. Anh hy vọng nếu đắc cử, ông Trump sẽ thúc đẩy các chính sách nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp và bảo vệ quyền lợi của người lao động Mỹ.
Dù đã sống tại bang "xanh" California - xu hướng bỏ phiếu cho đảng Dân chủ - hơn 15 năm, chị Bảo vẫn khẳng định mình và nhiều bạn bè ủng hộ ông Trump bởi đa số họ là chủ doanh nghiệp và các chính sách giảm thuế của ông có thể giúp họ rất nhiều.
Chị cũng tin ông Trump sẽ mạnh tay hơn trong các vấn đề an ninh và an sinh xã hội. Theo quan sát của chị, số người vô gia cư trong cộng đồng người Việt và toàn bang California đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây.
Chị Bảo không có ấn tượng tốt với bà Harris vì cách bà trả lời vòng vo, thiếu rõ ràng trong những cuộc phỏng vấn. Chị nhận xét việc bà Harris thường xuyên đề cập vấn đề bình đẳng giới chỉ là cách lấy lòng cử tri, trong khi điều này không trực tiếp giải quyết các vấn đề thực tế mà người dân đang đối mặt.
Quan điểm trung lập và cẩn trọng
Bên cạnh các ý kiến đối lập, nhiều cử tri gốc Việt giữ quan điểm trung lập hoặc chưa đưa ra quyết định rõ ràng. Ông H., 52 tuổi, cư dân Texas với 13 năm sinh sống tại đây, cho biết ông đã đi bỏ phiếu sớm nhưng không tiết lộ đã chọn ai.
Ông chia sẻ: "Thật ra đối với tôi, bầu cử tổng thống giống như một 'big game' thôi. Ai làm tổng thống cũng không quan trọng vì mình vẫn phải đi làm để nuôi gia đình".
Ông H. quan tâm nhiều đến bầu cử địa phương, nơi các chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của ông và gia đình hơn là bầu cử tổng thống vì "họ ở xa mình quá". Với ông, việc bỏ phiếu chủ yếu là cách thể hiện tiếng nói của cộng đồng người gốc Việt.
Tương tự, anh Giang, 31 tuổi, dù đã ở Mỹ hơn 13 năm nhưng chưa bao giờ đi bỏ phiếu. Từng chứng kiến nhiều cuộc tranh cãi gay gắt giữa hai phe, anh cho rằng mỗi đảng đều có chính sách riêng, không ai hoàn hảo và anh chưa tìm thấy lý do để ủng hộ bên nào.
Anh nói: "Chính sách của ông Trump rất hay về kinh tế, vì là doanh nhân, tỉ phú nên phần kinh doanh sẽ được chú trọng. Tuy nhiên lý tưởng là một chuyện, còn việc thực hiện trong thực tế lại khác, dù có muốn hay không".
Anh nói thêm: "Lý tưởng của Đảng Dân chủ thiên về cộng đồng, khá tốt, nhưng nếu chính sách không chặt chẽ sẽ dễ phản tác dụng, khiến đất nước bị quá tải và mọi thứ trì trệ".
Anh Giang nhận định rằng về cơ bản đường lối của hai đảng có đến 80% điểm tương đồng và việc cử tri chọn ứng viên thường xuất phát từ cảm xúc và sự yêu thích cá nhân.
"Chủ yếu là cân nhắc được gì và mất gì, cũng như xem ai có lượng người hâm mộ lớn hơn. Hệ thống hai đảng không tạo ra nhiều đổi mới vì những người giữ quyền lực chủ chốt vẫn khá bảo thủ".
Anh bày tỏ hy vọng trong tương lai hệ thống này sẽ được trẻ hóa và ít bị ảnh hưởng bởi một phe, nhằm đạt được tiếng nói chung, qua đó thúc đẩy kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống hiệu quả hơn.
Hơn 70 triệu cử tri bỏ phiếu sớm
Cuộc đua vào Nhà Trắng đang bước vào giai đoạn quyết định với hơn 70 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm, theo dữ liệu từ Dự án Election Lab của Đại học Florida mà Reuters dẫn lại trong bản tin ngày 2-11. Mặc dù thấp hơn con số kỷ lục năm 2020, số lượng này vẫn cho thấy cử tri Mỹ rất quan tâm đến kỳ bầu cử tổng thống năm nay.
Tại bang chiến trường North Carolina, nơi có 16 phiếu đại cử tri, đã có hơn 3,8 triệu người bỏ phiếu và ngày 2-11 là ngày cuối của đợt bầu cử sớm. Cả Phó tổng thống Kamala Harris và cựu tổng thống Donald Trump đều đang đẩy mạnh chiến dịch tại đây để thuyết phục những cử tri còn do dự.
Với tầm quan trọng của các bang chiến trường như North Carolina, Georgia và một số bang khác, cử tri chưa quyết định có thể là yếu tố quyết định kết quả cuộc bầu cử.
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này