Belarus nói họ để Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến lãnh thổ nhằm răn đe chiến lược, ngăn phương Tây vượt “lằn ranh đỏ”.
“Một trong những công cụ răn đe chiến lược về mặt quân sự là vũ khí hạt nhân. Phương Tây đã khiến Belarus không còn lựa chọn nào khác”, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Belarus Alexander Volfovich trả lời phỏng vấn đài ONT ngày 28/5. “Nếu các chính trị gia phương Tây còn lý trí, tất nhiên, họ sẽ không vượt qua lằn ranh đỏ này”.
Ông Volfovich cho biết vũ khí hạt nhân đã được rút khỏi lãnh thổ Belarus sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, khi Mỹ đưa ra các đảm bảo an ninh và không áp lệnh trừng phạt. “Giờ đây, mọi thứ đã bị xóa bỏ. Mọi lời hứa từng được đưa ra đều đã biến mất mãi mãi”, ông Volfovich nói.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật có đầu đạn nhỏ, được thiết kế để sử dụng trong một cuộc tấn công hạn chế trên chiến trường, thay vì phá hủy quy mô lớn. Dù vậy, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Belarus cảnh báo vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng có thể dẫn đến “những hậu quả không thể đảo ngược”. “Nếu chúng tôi phải sử dụng đến nó, đây sẽ là bước đi cực đoan nhưng chính đáng để bảo vệ đất nước”, ông nói thêm.
Bình luận được đưa ra sau khi Moskva và Minsk ngày 25/5 ký thỏa thuận về triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cùng ngày nói Nga đã bắt đầu thực hiện kế hoạch và ông đã nhất trí với Tổng thống Nga Vladimir Putin về loại vũ khí hạt nhân, nơi bố trí và số lượng, nhưng không nêu cụ thể.
Hồi tháng 4 Nga đã công bố những khí tài mang vũ khí hạt nhân chiến thuật, gồm “cường kích Belarus được bổ sung khả năng tấn công mục tiêu bằng vũ khí hạt nhân” và tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.
Không quân Belarus đang vận hành gần 70 cường kích tấn công mặt đất Su-25. Loại chiến đấu cơ này có thể mang bom nặng 500 kg, phù hợp với những mẫu bom hạt nhân rơi tự do từng được Liên Xô phát triển.
Mỹ và EU lên án thỏa thuận, nói động thái khiến căng thẳng khu vực leo thang nguy hiểm hơn nữa. Washington mô tả kế hoạch của Moskva là “khiêu khích, vô trách nhiệm” nhưng cho biết Mỹ chưa có lý do nào để điều chỉnh chính sách hạt nhân của mình.
Belarus có đường biên giới với 3 thành viên NATO là Ba Lan, Litva và Latvia. Nga và Belarus có mối quan hệ quân sự thân thiết và Minsk đã cho phép Moskva sử dụng lãnh thổ của mình để đưa quân vào Ukraine.
Phương Tây đã áp nhiều vòng trừng phạt với Nga và Belarus, trong đó có loại một số ngân hàng khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hạn chế thương mại và trừng phạt loạt quan chức.
(Nguồn: Vnexpress)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này