32 năm sống ở Na Uy với thân phận là con nuôi, Kjersti Bình Hegna, một phụ nữ gốc Việt, quyết định trở về Việt Nam, quê hương nơi cô sinh ra, để đi tìm người mẹ ruột chưa từng gặp mặt.
Chiều tháng 4, trong quán cà phê nhỏ giữa lòng Hà Nội, Kjersti Binh Hegna (32 tuổi) - nữ phóng viên Na Uy gốc Việt - ngồi lặng lẽ cùng bạn bè. Ánh mắt cô sâu lắng, nụ cười chất chứa nỗi niềm.
Kjersti Binh vừa trở về từ Sóc Sơn sau một ngày dài đi tìm manh mối về người mẹ ruột chưa từng một lần gặp mặt. Mệt mỏi và có chút thất vọng vì sau nhiều manh mối kết quả nhận lại không như cô mong muốn.
"Chúng tôi đã gặp một người phụ nữ, nhưng thông tin người này nói có nhiều điểm sai lệch với Kjersti Binh, nhất là năm sinh khi lệch tận 6 tuổi", anh Nguyễn Tiến Đạt, một người bạn của Kjersti Binh Hegna chia sẻ.
Chỉ còn ít ngày nữa cô sẽ rời Việt Nam, quay lại với gia đình tại Na Uy, nhưng đến nay, vẫn chưa có bất kỳ thông tin xác thực nào về mẹ ruột.
"Tôi không giống ai ở nơi mình sống"
Theo giấy khai sinh, Kjersti Binh sinh ngày 20/7/1992 tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn, Hà Nội, lấy tên Nguyễn Thanh Bình. Không có bất kỳ thông tin nào về cha mẹ ruột, họ hàng hay hồ sơ bệnh án của cô. Sau khi chào đời, cô bé được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, một cặp vợ chồng người Việt đón Bình về chăm sóc, trước khi giao cho người nhận nuôi.
Năm 1992, bố mẹ người Na Uy của Kjersti Binh nhận được thông báo từ một tổ chức nhận con nuôi, về trường hợp bé gái người Việt Nam. Đứa trẻ là con của một người phụ nữ đơn thân, không có điều kiện nuôi dưỡng, lo sợ sự kỳ thị của xã hội nên buộc lòng rời bỏ con. Biết tin, cặp vợ chồng người Na Uy lập tức bay sang Việt Nam để gặp cô bé.
"Đó là một ngày mùa đông năm 1992, bố mẹ đã sang Việt Nam và nhận nuôi tôi", Kjersti Binh nói.
Theo Kjersti Binh, bố nuôi cô từng có một cuộc hôn nhân và có hai con trai. Sau khi ly hôn, ông tái hôn với mẹ nuôi của cô. Cả hai không có con chung nên quyết định nhận con nuôi - và cô chính là đứa trẻ được họ chọn.

Việc nhận con nuôi tại Na Uy không đơn giản. Bố mẹ nuôi của Kjersti Binh phải trải qua rất nhiều bước kiểm tra nghiêm ngặt về tài chính, lối sống, nhân thân, trước khi được đồng ý nhận nuôi cô.
Ngày 8/12/1992, Kjersti Binh được cha mẹ đưa sang sinh sống tại Na Uy, bắt đầu một hành trình hoàn toàn mới. Tại đây, cô nhập quốc tịch, cấp hộ chiếu và chính thức đổi tên từ Nguyễn Thanh Bình thành Kjersti Binh Hegna.
"Tên tiếng Việt của tôi được giữ lại. Bố mẹ nói đấy như một cách lưu giữ lại nguồn cội cho tôi", Kjersti Binh chia sẻ.
Cha mẹ của Kjersti Binh chưa từng giấu giếm chuyện cô được nhận nuôi. Dù không cùng huyết thống, họ luôn dành cho cô sự yêu thương trọn vẹn, tạo điều kiện để Kjersti Binh sống trong môi trường tốt nhất.
Kjersti Binh học tập tại một ngôi trường nhỏ trong thị trấn. Khi trưởng thành, cô dần cảm nhận rõ sự khác biệt. Cô gái có làn da vàng, mái tóc đen và vóc dáng nhỏ bé nổi bật giữa những người bạn da trắng, cao lớn. Chính điều đó khiến cô nhiều lần bối rối, thậm chí đau lòng. Càng lớn, khao khát biết về cội nguồn trong cô càng cháy bỏng.

Dù được nuôi dưỡng trong một mái ấm đầy yêu thương, Kjersti Binh luôn cảm thấy thiếu vắng một phần quan trọng trong cuộc đời. Nỗi trăn trở ấy càng trở nên day dứt hơn khi cô trở thành mẹ của hai đứa trẻ - một bé 7 tuổi và một bé 2 tuổi. "Tôi thật sự muốn biết mẹ ruột mình là ai. Bà ấy giờ ra sao, có khỏe mạnh không, có từng nghĩ đến tôi không?", Kjersti Binh chia sẻ.
Kjersti Binh nói rằng, việc biết mình giống ai đó - dù chỉ là một nét nhỏ - có ý nghĩa rất lớn đối với cô. Nhiều lúc, cô cảm thấy buồn và cô đơn khi nhìn quanh gia đình Na Uy của mình, nơi không ai mang những đường nét giống cô, từ khuôn mặt đến vóc dáng.
Hành trình tìm mẹ - manh mối nhỏ nhoi, hy vọng mong manh
Dù từng bị mẹ ruột bỏ rơi, nhưng trong lòng Kjersti Binh chưa bao giờ tồn tại sự oán trách. "Tôi tin rằng mẹ có nỗi khổ riêng. Không người mẹ nào lại từ bỏ con nếu không vì hoàn cảnh buộc phải làm vậy. Tôi chỉ mong hiểu lý do ấy", cô chia sẻ.
Tháng 4/2025, Kjersti Binh lần đầu quay lại Việt Nam sau khi bày tỏ nguyện vọng tìm mẹ ruột với gia đình nuôi ở Na Uy. Cô nói: "Bố mẹ nuôi nói sẽ đi cùng, nhưng tôi từ chối, muốn tự tìm hiểu về nguồn gốc của mình".
Trong chuyến trở lại quê hương, Kjersti Binh đăng ký tham gia một giải chạy quanh Hà Nội, coi đây là một phần trong hành trình tìm lại mẹ. Mặc dù lý do chính khiến cô trở về là để tìm mẹ ruột, nhưng cô cũng mong muốn khám phá và hiểu thêm về nơi mình đã sinh ra. Khi đến Việt Nam, Kjersti Binh cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì nhận ra mình giống mọi người ở đây, từ màu da, mái tóc, dáng người. Cô biết rằng mình thực sự thuộc về nơi này.
Một người bạn tham gia cùng cô trong giải chạy bộ đã nghe về nguyện vọng tìm mẹ và đã giúp cô kết nối với những mối quan hệ ở Sóc Sơn - nơi ghi trong giấy khai sinh của cô. Kjersti Binh được hướng dẫn viết một bài đăng trên mạng xã hội để chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình. Chỉ trong vòng ba ngày, bài viết nhận hàng trăm lượt chia sẻ. Một cô gái tên Trang người Sóc Sơn đọc bài viết và liên hệ với Kjersti Binh. "Cô gái đó nói sẽ giúp tôi kết nối với một nhóm người ở Sóc Sơn, giúp hỗ trợ lọc thông tin trong quá trình tìm mẹ", nữ phóng viên cho hay. Trong nhóm, có người nhắc đến một phụ nữ cao tuổi sống ở Sóc Sơn, được cho có thể biết về mẹ của Kjersti Binh.
Ngày 15/4, hành trình tìm mẹ chính thức bắt đầu. Kjersti Binh quyết định thay đổi lịch bay, ở lại thêm vài ngày với hy vọng tìm ra thêm manh mối. Cô đến Bệnh viện Sóc Sơn và ghé qua phòng văn thư của Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, nơi lưu trữ các hồ sơ cũ. Tại đây, cô để lại bản sao giấy khai sinh gửi đến lãnh đạo bệnh viện, nhờ xin phép tra cứu thêm thông tin về mình.
Nhiều đêm cô tưởng tượng khoảnh khắc được ôm mẹ vào lòng, hỏi mẹ xem cuộc sống của bà có ổn không và liệu bà có từng nghĩ đến cô không. Tuy nhiên, cô cũng chuẩn bị tâm lý cho khả năng mẹ không muốn gặp lại mình, vì "sự xuất hiện của một người con sau ba thập kỷ có thể là một cú sốc đối với bà".
"Dù mẹ có đón nhận hay không, tôi vẫn muốn nói lời cảm ơn. Nhờ quyết định của mẹ năm xưa, tôi mới có cuộc sống như hôm nay", cô gái chia sẻ.
Hiện tại, hành trình tìm mẹ ruột của chị Kjersti Binh vẫn chưa có kết quả. Tuy nhiên, với sự kiên trì, tình yêu thương và niềm tin vào sự kết nối máu thịt, Bình hy vọng sẽ có một ngày được gặp lại người mẹ của mình - dù chỉ là một lần để thỏa nỗi nhớ khắc khoải suốt hơn 30 năm qua.
Bạn đọc có bất cứ thông tin về gia đình ở Việt Nam của chị Kjersti Bình Hegna (hay Nguyễn Thanh Bình) xin vui lòng liên hệ qua đường dây nóng của báo điện tử Dân trí.
Hotline Hà Nội: 0973-567-567
Hotline TPHCM: 0974-567-567
Email: [email protected]
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này