Bộ Lao động Séc hiện đang hoàn thiện quy định mới về bất bình đẳng tiền lương. Trong năm tới, Séc phải đưa vào hệ thống pháp luật quốc gia theo chỉ thị của Liên minh châu Âu, yêu cầu phải công khai mức lương. Tuy nhiên, mức lương có thể sẽ không bắt buộc phải được nêu rõ trong các tin tuyển dụng.
Tại Séc, mức chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ làm cùng một vị trí vẫn thuộc hàng cao nhất trong Liên minh châu Âu. Theo số liệu của Eurostat, nam giới trung bình kiếm được nhiều hơn phụ nữ khoảng 18%. Chỉ thị châu Âu mới nhằm giải quyết vấn đề chênh lệch này.
Theo cố vấn của Bộ Lao động bà Jaroslava Rezlerová cho biết, mục đích không phải là yêu cầu các công ty công bố họ trả lương cho nhân viên bao nhiêu mà là để mức lương minh bạch cho tất cả mọi người, để người lao động biết rằng khi họ vào làm việc ở một vị trí nào đó thì công ty trả mức lương từ đâu đến đâu.
Theo các cố vấn của Bộ Lao động, Séc muốn tránh việc bắt buộc công khai mức lương ngay trong các tin tuyển dụng. Trong khi đó, tại Slovakia đã áp dụng quy định nghiêm ngặt hơn, ngay trong tin tuyển dụng đã phải nêu rõ mức lương.
Tuy nhiên, người lao động sẽ không có quyền biết mức lương cụ thể của từng đồng nghiệp, mà thông tin được cung cấp sẽ chỉ giới hạn ở mức lương trung bình đối với cùng một công việc hoặc vị trí tương đương. Theo các chuyên gia, điều này có thể tạo ra động lực để thay đổi cách thức trả lương.
Liên minh các hiệp hội người sử dụng lao động lại muốn tìm kiếm các giải pháp khác. Theo chủ tịch liên minh ông Jiří Horecký cho biết, không phải vị trí nào cũng giống nhau, không phải công việc nào cũng đòi hỏi mức độ khó như nhau. Có hàng nghìn loại công việc khác nhau, điều quan trọng là cách thức so sánh và công bố thông tin đó như thế nào.
Ông Josef Středula, Chủ tịch Liên đoàn Công đoàn Séc-Morava cho biết, đây là một chỉ thị rất tốt và nhắm đúng vào vấn đề cần thiết – đó là giải quyết sự bất bình đẳng. Ông muốn cảnh báo những tổ chức, đơn vị hiện vẫn còn xem nhẹ vấn đề này rằng không nên làm vậy. Bởi vì những doanh nghiệp có trên 250 nhân viên sẽ phải tuân thủ ngay từ năm đầu tiên, và nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ, họ có thể đối mặt với các mức phạt đáng kể.
Theo một số đại diện phe đối lập, điều này có thể dẫn đến việc “bóp nghẹt thị trường”. Theo Phó chủ tịch Hạ viện Karel Havlíček cho biết: “Vấn đề ở đây không chỉ là ai giỏi đến đâu. Còn phụ thuộc vào thời điểm tôi tuyển người đó, tôi cần gấp đến mức nào, liệu tôi có đang chịu áp lực không – và trong một số tình huống nhất định, cần phải phản ứng linh hoạt theo thị trường. Đây là môi trường thị trường, và nó nên vận hành theo nguyên tắc cung cầu.”
Cộng hòa Séc sẽ phải đưa các quy định của châu Âu này vào hệ thống pháp luật trong vòng năm tới.
Nguồn: TN Nova
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này