Diện tích đất khô cằn trên Trái Đất đã tăng lên hơn 40%, gây ra những tác động nghiêm trọng đến nông nghiệp, kinh tế và đời sống con người.
Theo nghiên cứu mới đây của nhóm các nhà khoa học thuộc Liên hợp quốc, diện tích đất khô cằn trên Trái Đất hiện chiếm tới hơn 40% tổng diện tích đất liền, không tính đến Nam Cực. Trong ba thập kỷ qua, một khu vực rộng lớn hơn 1/3 diện tích Ấn Độ đã chuyển từ trạng thái ẩm ướt sang khô hạn vĩnh viễn, gây ra những thách thức lớn cho nông nghiệp và đời sống con người.
Báo cáo cho biết, 3/4 diện tích đất trên thế giới đã chịu điều kiện khô hạn gia tăng trong 30 năm qua, và điều này được dự đoán là không thể đảo ngược. Ông Ibrahim Thiaw - Thư ký điều hành Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD), cảnh báo rằng sự khô hạn không giống như hạn hán - vốn chỉ là hiện tượng tạm thời: "Khi một khu vực trở nên khô cằn hơn, khả năng trở lại điều kiện trước đó là không thể".
Châu Phi là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất với khoảng 12% GDP bị mất từ năm 1990 đến năm 2015 do tình trạng khô hạn. Dự báo cho thấy, trong 5 năm tới, châu Phi có thể mất 16% GDP, trong khi châu Á sẽ mất gần 7%.
Báo cáo nhấn mạnh những hậu quả nghiêm trọng đối với nông nghiệp toàn cầu. Tại Kenya, năng suất ngô có thể giảm một nửa vào năm 2050 nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn. Các vùng đất khô cằn, nơi 90% lượng mưa bị bốc hơi, sẽ khiến trữ lượng nước giảm đáng kể trên toàn thế giới vào giữa thế kỷ này.
Theo nghiên cứu, hiện nay khoảng 30% dân số thế giới (tương đương 2,3 tỷ người) đang sống tại các vùng đất khô cằn, tăng từ 22,5% vào năm 1990. Con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2100 nếu các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính không được thực hiện.
Các chuyên gia đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động. Giáo sư Mark Maslin từ Đại học London (UCL) cho rằng: "Chúng ta có thể giảm khí thải nhà kính, thúc đẩy nông nghiệp bền vững, quản lý nước hiệu quả, tái trồng rừng và giáo dục cộng đồng để đối phó với tình trạng sa mạc hóa".
Bà Kate Gannon, nhà nghiên cứu tại Viện Grantham, nhấn mạnh: "Tình trạng khô hạn làm trầm trọng thêm nghèo đói, khiến các tài nguyên dễ bị khai thác quá mức, dẫn đến khan hiếm nước, suy giảm nông nghiệp và di cư bắt buộc. Đây không chỉ là một bất công sâu sắc mà còn là một thách thức toàn cầu".
(Nguồn: VTV)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này